Nhìn từ flycam cầu qua sông Hồng có mặt cắt ngang rộng nhất ở Hà Nội

ANTD.VN - Sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được thông xe, đây là cầu bắc qua sông Hồng có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội với 8 làn ô tô, giao thông thông thoáng, hết cảnh ùn tắc...

Sáng 30-8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành, thông xe cầu Vĩnh Tuy 2

Sau khi hoàn thành giai đoạn hai, cầu Vĩnh Tuy có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu tại Hà Nội bắc qua sông Hồng với 8 làn ô tô.

Trong khung giờ cao điểm, dòng phương tiện lưu thông dễ dàng theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên và ngược lại.

Cách đây 2 năm, nút giao Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) luôn là "điểm đen" ùn tắc giao thông. Giờ đây với cây cầu 8 làn xe, cảnh ùn tắc không còn

Theo phương án phân luồng, tổ chức giao thông của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên cầu Vĩnh Tuy 2 vừa khánh thành, phương tiện tham gia giao thông đi một chiều theo hướng từ quận Hai Bà Trưng đi Long Biên.

Ở chiều ngược lại với cầu Vĩnh Tuy 1, phương tiện tham gia giao thông đi một chiều theo hướng từ quận Long Biên sang quận Hai Bà Trưng và được phân 5 làn xe.

Giao thông thông thoáng trên cầu Vĩnh Tuy nhìn vào phía trung tâm thành phố

Trên cầu Vĩnh Tuy mới, ô tô được lưu thông tối đa 60 km/h, xe máy 40 km/h. Nhưng tại cầu Vĩnh Tuy cũ, ô tô chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 40 km/h, xe máy 30km/h.

Nhìn từ flycam cầu Vĩnh Tuy như cánh tay nối dài vươn ra từ giữa trung tâm thành phố

Sau hơn 2 năm thi công, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội) đã chính thức được đưa vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1.2021, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng.

Cầu có điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (Q.Long Biên).

Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng dài 3,5 km, rộng 19,25 m.

Như vậy, sau khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được đưa vào khai thác, Hà Nội đang có 9 cầu qua sông Hồng

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn tới, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu vượt sông Hồng để kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.