Nhìn từ bệnh viện

ANTĐ - Năm 1990, dân số nước ta chỉ là 66 triệu người, hiện nay đã tới 88 triệu. Hơn 20 năm qua có thêm các bệnh viện tuyến tỉnh, các cơ sở y tế huyện. Song các bệnh viện tại những thành phố lớn dù có mở mang, nâng cấp cũng không thể giảm bớt được tình trạng quá tải. Tính đến nay, cả nước có 1.148 bệnh viện với 191.020 giường bệnh, điều trị hơn 10 triệu lượt người, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân ở nước ta chưa đạt chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 25 giường bệnh/vạn dân. Ở các bệnh viện tuyến trên, thậm chí có nơi, có lúc đã đến 7 bệnh nhân chia nhau một giường.

Chỉ những ai đã từng “nếm” cảnh nằm chung giường bệnh hoặc trải chiếu nằm dưới đất, mới thấm thía hết nỗi khổ của người bệnh để có tầm nhìn và giải pháp căn cơ. Trong lần thị sát các bệnh viện ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ y tế thốt lên: “Kể cả ở Châu Phi, tình trạng các bệnh viện quá tải cũng không như ở Việt Nam”. Đến khi bà Bộ trưởng bước vào bệnh viện ở Hà Nội cũng phải thừa nhận: “Nếu tôi đi khám bệnh với tình cảnh như thế này thì cũng không chịu nổi”. Bà Bộ trưởng đã nhìn thấy và rất bức xúc trước thực trạng của ngành do mình quản lý, điều hành. Người đứng đầu ngành đã “thực mục sở thị” thực tế, có nghĩa là có thể đề ra những giải pháp, ít nhất để giảm bớt tình trạng quá tải, giảm bớt những gì mà người bệnh “không chịu nổi” hàng chục năm nay. Đương nhiên, không thể đổ hết “tội” cho ngành y tế khi mà, như lời bà Bộ trưởng, đất cho sân golf, khu công nghiệp, dự án đô thị mới thì dễ dàng, thậm chí không ít dự án “treo”, đất bỏ hoang, còn đất cho bệnh viện thì rất khó khăn.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, chi tiêu công cho y tế của Việt Nam ở vị trí gần cuối hạng, xếp thứ 29 trên 33 nước ở Châu Á, đứng sau cả Lào, Philppines, Thái Lan, Malaysia. Theo vụ kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, từ năm 2006, chi ngân sách nhà nước cho y tế tăng trung bình khoảng 20%/năm. Đến năm 2010, chi cho y tế chiếm 9,14% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực. Dù đã cố gắng cải thiện, song tỷ lệ chi tiêu công cho y tế vẫn thấp, khiến người dân phải tự bỏ tiền túi quá nhiều, ảnh hưởng đến mục tiêu công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe. Một giáo sư y học thế giới cho rằng, vì mục tiêu công bằng trong y tế, ngân sách nhà nước cần đầu tư phần lớn trong tổng chi y tế và giảm tối đa việc người dân phải chi trả trực tiếp. Ở thời điểm hiện nay, chi tiêu y tế từ tiền túi hộ gia đình ở nước ta chiếm tới 50%, còn ở các nước châu Á là 5-10%. Phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho khám chữa bệnh và y tế dự phòng còn nhiều bất cập, chủ yếu dựa vào chỉ tiêu số giường bệnh, số cán bộ y tế. Hội khoa học kinh tế y tế đưa ra khuyến cáo, trong những năm tới, khi nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ cho y tế cắt giảm thì khả năng tăng chi tiêu công cho ngành này khó đạt được xấp xỉ 55% vào năm 2015.

Giảm tải bệnh viện có lẽ không chỉ bó hẹp trong khuôn viên bệnh viện, trong ngành y tế. Nhìn từ bệnh viện và nhìn rộng ra ngoài, vấn đề không chỉ là đất đai để xây mới mà còn liên quan tới nguồn vốn ngân sách, vốn đầu tư, trang thiết bị, dịch vụ y tế cũng như đội ngũ cán bộ. Chỉ số phát triển con người đâu chỉ đơn thuần là tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân. Đừng trách bệnh nhân “thích” vượt tuyến lên bệnh viện lớn để nằm ghép 3-4 người một giường.