Nhìn lại giải thưởng Hội Nhà văn 2007

(ANTĐ) - Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 có vẻ như ít tiếng tăm hơn năm 2006 khi chính nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội xin rút ra khỏi danh sách giải thưởng vào đúng hôm tổ chức lễ trao giải...

Nhìn lại giải thưởng Hội Nhà văn 2007

(ANTĐ) - Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 có vẻ như ít tiếng tăm hơn năm 2006 khi chính nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội xin rút ra khỏi danh sách giải thưởng vào đúng hôm tổ chức lễ trao giải...

Năm nay chỉ có hai tác phẩm nhận giải: Tiểu thuyết Và khi tro bụi của tác giả Đoàn Minh Phượng và bản dịch tập thơ “Khúc hát trái tim” của Mattic J.T. Stepanek, bản dịch của nhà thơ Hữu Việt. Rất có thể cách xét tặng giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam đã có những cải cách đáng kể.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người thành danh nhờ viết truyện ngắn - đã dày công viết một số tiểu luận văn học đáng nể: Thời của tiểu thuyết, in liền mấy số trên tạp chí Ngày nay, về sau in trong sách Giăng lưới bắt chim (NXB Hội Nhà văn 2005). Nhà văn nhấn mạnh: “Phải là tiểu thuyết. Đó là một nhu cầu của thời hiện tại”.

Nhà thơ Hữu Việt Nhà văn Đoàn Minh Phượng Nhà thơ Hữu Việt Nhà văn Đoàn Minh Phượng
Nhà thơ Hữu Việt Nhà văn Đoàn Minh Phượng

Nhà thơ Phan Trung Thành trong bài trả lời phỏng vấn Văn nghệ trẻ số ra mới đây, đại ý, đọc Và khi tro bụi như đọc một cuốn tiểu thuyết hay, hấp dẫn đến mức chỉ mong sao nó đừng kết thúc. Đoàn Minh Phượng không chỉ là nhà tiểu thuyết mà còn là người rất biết “lý sự” về tiểu thuyết qua bài: Tại sao tôi đọc tiểu thuyết? (in trên Tiền phong cuối tuần, số 44 năm 2007).

Thật ra thì nội dung bài viết này có thể hiểu là “Tiểu thuyết là gì”. Tác giả khẳng định: “Nếu tiểu thuyết lúc nào cũng hấp dẫn, dễ đọc thì câu hỏi trở nên thừa (...). Tôi đọc tiểu thuyết vì tiểu thuyết không mang mục đích gì cả, nhờ vậy việc đọc của tôi rất thuần khiết (...).

Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ muốn được nghe kể chuyện mà thôi. Câu chuyện có đầu có đuôi hoặc thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu cả hai cũng không sao. Tolstoi cho rằng trong thế giới của nghệ thuật không có chỗ để chứa các công thức giải quyết những vấn đề xã hội (...).

Còn người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người, đôi lúc phân vân không biết viết bao nhiêu thì đủ, bao nhiêu thì thừa (...). Một cuốn tiểu thuyết hay, giống như cuộc đời, không bao giờ hoàn tất”.

Tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng vỏn vẹn chỉ có 180 trang in khổ truyền thống 13x19 do NXB Trẻ ấn hành năm 2006. Câu chuyện tiểu thuyết được kể từ ngôi thứ nhất - một phụ nữ Việt Nam định cư trên đất Đức, mất chồng, rơi vào nỗi cô đơn khủng khiếp.

Liền trong mấy tháng trời, người phụ nữ bỏ nhà, lên tàu và đi. Nói cách khác là đi trên một chuyến tàu mộng du để tìm lại những gì đã mất. Và cũng nhờ chuyến đi này, người phụ nữ - nhân vật chính (xưng “tôi”), người dẫn chuyện đã vô tình phát hiện ra một bi kịch của gia đình một người Đức (ông Kempf, vợ, Sophie được hiểu là tình nhân của ông và hai con trai - Michael và Marcus).

Câu chuyện của “tôi” từ một cô bé Việt Nam mồ côi cả bố lẫn mẹ, được đưa sang Đức, được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi. Khi “tôi” 13 tuổi thì cha nuôi tự sát vì dường như ông yêu đứa con gái nuôi của mình... Rồi “tôi” lấy chồng nhưng người chồng đoản mệnh (chết do một tai nạn ôtô)...

Bao trùm tiểu thuyết là nỗi cô đơn của kiếp người, nỗi cô đơn được hiểu như là mặt trái của tình yêu theo cách diễn đạt của văn hào Colombia - G.Macket: “Thể hiện cái cô đơn như là mặt trái của tình yêu thương, sự đoàn kết” (Số phận tiểu thuyết - NXB Tác phẩm mới - 1983, trang 322).

Đoàn Minh Phượng (người đã tới định cư ở Đức từ năm 20 tuổi và sống ở đất người gần 20 năm) đã lý giải thuyết phục qua hình tượng văn học: Sự cô đơn có thể là do con người bị cắt khỏi cội nguồn “ít có nỗi cô đơn nào lớn hơn nỗi cô đơn khi người ta tự cắt rời mình khỏi những năm tháng đầu tiên làm người của mình, cắt rời khỏi cội nguồn” (trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ, năm 2006, in lại trên Văn nghệ số 43 năm 2007).

Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng là dạng “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” (có hai câu chuyện về kiếp người khác nhau, có hai khởi đầu và kết thúc khác nhau). Cái giỏi của tác giả là dồn nén “hai trong một”, ép chặt tối đa vào một số trang tối thiểu mà những câu chuyện vẫn cứ đầy đủ dẫu ở phần kết độc giả có phần nuối tiếc.

Lối văn của Đoàn Minh Phượng trong Và khi tro bụi xem ra, không được “thật Việt Nam” (xin miễn trích dẫn vì có thể làm mất thời gian của bạn đọc). Nhưng đó là tác giả có chủ ý vì: “Tôi không muốn chịu sự giới hạn của nhiều nhà văn xa xứ khi phải sử dụng một thứ ngôn ngữ đã tách ra khỏi đất liền.

Vâng, tôi chịu ảnh hưởng dòng suy nghĩ của người phương Tây”. Đề cập đến đặc điểm này tôi không muốn vì thế hạ thấp thành công tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, trái lại thấy rõ hơn là bất kỳ sự vật nào cũng không tránh khỏi khiếm khuyết. Vả lại chúng ta không nên cầu toàn.

Khúc hát trái tim của Mattie J.P.Stepanek (tác phẩm bán chạy nhất của Thời báo New York), bản dịch thơ của Hữu Việt (NXB Kim Đồng, 2006). Trước hết rất ấn tượng về hình thức cuốn sách hay như người ta nói là “bắt mắt”.

 “Lời đầu sách” là của dịch giả Hữu Việt và “lời cuối sách” là của nhà thơ Trần Đăng Khoa (phần này được in lại trên Báo Văn nghệ nhân dịp tác phẩm được nhận giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007).

Mattie J.P.Stepanek được biết đến với tên gọi “Mattie”, sinh năm 1990, sống ở bang Maryland (Mỹ). Bắt đầu sáng tác thơ và truyện ngắn từ năm 3 tuổi. Đã xuất bản 5 tập thơ: Khúc hát trái tim, Hành trình qua Tâm khúc, Hy vọng qua Tâm khúc, Tạ ơn qua Tâm khúc và Yêu thương qua Tâm khúc. Đây là một “thần đồng thơ” trên văn đàn Mỹ cuối thế kỷ XX.

Mattie từng được mời làm diễn giả thường xuyên trên các chương trình khách mời nổi tiếng như Oprah Winfrey, Good Morning America và Larry King. Thơ của Mattie đã được in trên các báo và tạp chí nổi tiếng ở Mỹ, được chọn là thơ “best selling” của tờ Thời báo New York. “Thần đồng thơ Mỹ” mất năm 2004, khi sắp tròn 14 tuổi. Đấy là lý lịch trích ngang của Mattie.

Thật sự khi đọc Khúc hát trái tim của Mattie J.P.Stepanek, tôi không đồng ý với nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa (in trong “Lời cuối sách”): “Thơ em có lối tư duy công nghiệp”. Tôi lại nghĩ khác: Tư duy thơ vẫn là tư duy thơ dù cho nhà thơ đó sinh ra ở một nước có nền công nghiệp phát triển hay không phát triển.

Bởi lẽ tính hiện đại của một tác phẩm có khi lại thuộc về tác phẩm cách xa chúng ta hàng mấy trăm năm (ví như Đông Ki Sốt của Xecvantet hay kịch của Shakespeare).

45 bài thơ trong tập Khúc hát trái tim có độ dài khác nhau (bài số 22 có 5 dòng và bài số 16 có 52 dòng), đề tài khác nhau nhưng cái nhìn sự sống và thế giới tự nhiên của Mattie J.P.Stepanek là “cái nhìn thấu thị”, “cái nhìn tiên tri”. Nói cách khác là tuy nhỏ tuổi nhưng rõ ràng là “thần đồng thơ Mỹ” có cái khả năng “sống đón” hiếm thấy.

Em hóa thân vào tương lai từ hiện tại hữu hình. Và điều quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh gian nan của loài người không có gì khác ngoài điều nhà thơ tí hon tâm đắc: “Cho dù tôi là ai và điều gì xảy đến/ Tôi vẫn sẽ luôn sung sướng/ Vì tôi mãi mãi là tôi”. Thơ của Mattie J.P.Stepanek là cuộc hành trình “tôi đi tìm tôi”, nếu có thể nêu một nhận xét ngắn gọn về cái tinh túy của thơ em - thơ Mattie là những “Tâm khúc” có tính phổ quát nhân loại, tính vĩnh hằng của loài người: “Lần đầu tiên tôi dùng từ Tâm khúc là khi tôi lên 5.

Hôm ấy, tôi mặc sơmi, bên trong có cài một chiếc máy nghe nhạc loại nhỏ. Tôi ngồi dựa vào một vật gì đó và làm thơ. Thế rồi, tiếng nhạc vang lên, có lẽ do tôi đã vô tình ấn vào nút play. Tôi thì thào “Mẹ ơi, nghe này, đó là những bài Tâm khúc của con”!”.

Người ta vẫn nói “dịch là diệt” hay “dịch là phản”. Tôi nghĩ đó là một cách nói. Nhưng nếu không có dịch thuật một nền văn học bất kỳ sẽ nghèo nàn biết nhường nào.

Một bài thơ “Tự do và tình yêu” của nhà thơ Petophi mà đã có hơn 20 bản dịch khác nhau đó sao, mà bản nào cũng hay, cũng lay động và tạo đồng vọng. Tôi không dám nhận xét về chất lượng bản dịch vì như thế dễ rơi vào khiếm nhã.

Chỉ biết Khúc hát trái tim không chỉ là món quà cho lứa độc giả nhỏ mà tất cả chúng ta - người lớn (mà người lớn đến một lúc nào đó sẽ lại là trẻ nhỏ).

Hà Nội tháng 11-2007

Bùi Việt Thắng