Nhiều tín hiệu tích cực cho hàng không Việt nối lại thị trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2022 được nhận định du lịch hàng không quốc tế sẽ bùng nổ, nhưng hàng không Việt có kịp nối lại và chiếm lĩnh thị trường hay không?

Dự báo khoảng 8 triệu khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam

Thông tin về tình hình nối lại thị trường hàng không tại tọa đàm “hàng không Việt mở lại bay quốc tế: động lực mới, cơ hội mới” diễn ra chiều 24/2, do Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Du lịch và Bamboo Airwasy tổ chức, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, từ ngày 15/2, Việt Nam đã mở cửa toàn bộ các đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất và không giới hạn về điều kiện.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 20 thị trường nối lại đường bay quốc tế đến Việt Nam với 30 đường bay và 30 hãng khai thác.

Tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 23/2, đã có khoảng 200.000 lượt khách quốc đến Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch vào khoảng 4 triệu khách/ tháng, thì con số này còn rất khiêm tốn, nhưng đây cũng là một con số ấn tượng trong bối cảnh đại dịch làm trì hoãn đường bay quốc tế hơn 1 năm qua và Việt Nam cũng mới mở cửa bầu trời quốc tế trở lại.

Hoạt động hàng không nội địa đầu năm 2022 đã khá nhộn nhịp

Hoạt động hàng không nội địa đầu năm 2022 đã khá nhộn nhịp

“Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng đối với thị trường hàng không Việt Nam, trong đó có hàng không quốc tế. Trong đó, kịch bản trung bình mà có tính khả thi cao nhất là năm 2022, Việt Nam sẽ đón 42-43 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Con số này mới chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2019, nhưng cũng là tín hiệu tích cực cho ngành hàng không và du lịch Việt Nam phục hồi”- ông Hà cho hay.

Tuy vậy, cũng theo ông Hà, các thị trường hàng không quốc tế hiện mới chỉ tập trung khai thác các đường bay đến Hà Nội và TP. HCM, còn các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch của Việt Nam như Quy Nhơn, Phú Quốc, Vân Đồn… còn chưa nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Cục Hàng không cũng đã nhận được một số đề nghị của các hãng hàng không nước ngoài mong muốn mở lại đường bay đến các điểm du lịch ở khu vực miền Trung của Việt Nam.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 được dự báo vào khoảng 8 triệu lượt

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 được dự báo vào khoảng 8 triệu lượt

Dưới góc độ du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thông tin, từ tháng 11/2021 Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế đến, nhưng lượng khách cũng còn khiêm tốn.

Cụ thể, từ tháng 11/2021 đến 23/2/2022 Việt Nam đã đón 9.000 lượt khách quốc tế. Trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, hoạt động du lịch nội địa rất khởi sắc.

Trong 9 ngày nghỉ Tết, đã ghi nhận lượng khách đạt 6,1 triệu lượt khách nội địa và 500 khách quốc tế, đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch và ngành hàng không.

“Năm 2022, dự báo du lịch Việt Nam đón từ 5-6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 60 triệu lượt khách nội địa. Con số này hoàn toàn chúng ta có thể tin tưởng được vì hiện nay độ phủ vaccine của Việt Nam rât rộng, trong khi kinh nghiệm xử lý dịch và những tình huống về phòng, chống dịch cũng đã có”- ông Siêu cho hay.

Cần "mở" thêm để tăng cạnh tranh

Song, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam mở cửa bầu trời quốc tế trở lại để hàng không Việt có đủ tiềm lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần hàng không quốc tế thì cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Về phía các hãng hàng không Việt cũng cần chủ động có giải pháp để khắc phục, nhưng cũng có những giải pháp thuộc về chủ trương, chính sách của Chính phủ cần được quan tâm giải quyết và hỗ trợ kịp thời.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng chính sách miễn visa tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thì mới có thể cạnh tranh du lịch quốc tế với nhiều quốc gia.

Ông Nam dẫn chứng, hiện Việt Nam mới miễn visa với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó 9 quốc gia trong khối Asian, sao với các nước như Thái Lan miễn visa cho 60 quốc gia… Còn trong trường hợp, với những thị trường du lịch khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc mà không thể miễn visa thì có thể nghiên cứu cấp visa dài hạn 5-10 năm để tăng sức cạnh tranh.

“Chúng ta mở cửa du lịch quốc tế đã chậm chân so với các quốc gia trong khu vực lại còn vướng ngay từ thủ tục đầu tiên nữa thì rất khó để làm”- ông Nam nhìn nhận.

Một vấn đề nữa được ông Nam cảnh báo là phải nhanh chóng nâng cấp hạ tầng sân bay. Bởi, trước khi chưa có đại dịch Covid-19 thì hạ tầng sân bay quá tải luôn là điển nghẽn “nóng” của ngành hàng không. Covid-19 khiến các sân bay thưa vắng cũng khiến câu chuyện hạ tầng hàng không bị quên, nhưng với sự phục hồi của du lịch, của hàng không thì câu chuyện quá tải hạ tầng sân bay sẽ sớm trở lại.

“Xã hội hóa hạ tầng sân bay cần được đẩy nhanh tiến độ, nếu không khi hàng không phục hồi như thời điểm trước dịch thì lại gánh nỗi lo về hạ tầng quá tải”- ông Nam cảnh báo.