Nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong điều kiện “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù đã liên tục cảnh báo song không ít người vẫn mắc bẫy những đối tượng giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, thủ đoạn của các đối tượng vẫn không có gì thay đổi, nhưng rất nhiều người mắc bẫy tội phạm.

Nghe cuộc điện thoại, “bay” ngay hàng trăm triệu đồng

Dù đã qua mấy ngày, kể từ khi xảy ra vụ việc, song ông T ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội vẫn chưa hết bức xúc và bàng hoàng bởi số tiền hàng trăm triệu đồng, gia tài được gia đình ông tích cóp cả đời đã “bay” trong vài phút. Căn nguyên của sự việc bắt đầu từ chiếc máy điện thoại. Đang ở nhà, ông T nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng không quen biết...

Ở đầu dây bên kia, đối tượng tự xưng là Công an, đang thực hiện điều tra một đường dây rửa tiền với số lượng rất lớn. Đối tượng nói trong đường dây này có những “mắt xích” liên quan đến ông T và yêu cầu ông phải nộp tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để xác minh, làm rõ. Dù bán tín bán nghi, song trước kịch bản rất chặt chẽ của đối tượng “vẽ” ra, ông T nhanh chóng bị đưa vào bẫy.

Nhiều băng ổ nhóm giả danh cơ quan tư pháp lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ

Nhiều băng ổ nhóm giả danh cơ quan tư pháp lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ

Số tiền 600 triệu đồng ông tiết kiệm đã được người này chuyển vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Chỉ khi số tiền được chuyển song, ngồi trấn tĩnh lại, ông T mới thấy nhiều điểm trong câu chuyện phi lý, vội vàng đến cơ quan Công an trình báo. Dù vậy, khi kiểm tra ngân hàng, toàn bộ số tiền trong tài khoản của đối tượng đã được rút hết, điều đó cũng đồng nghĩa số tiền 600 triệu đồng của ông T 'tan như bọt xà phòng'.

Nhận quả đắng hơn ông T là chị Y, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Số tiền mà chị Y bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lên tới gần 1 tỷ đồng. Thủ đoạn của đối tượng là lừa đảo thông báo chị Y có một bưu phẩm và thẻ ngân hàng với số nợ 38,96 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng nối máy cho chị Y nói chuyện với một người tự xưng là công an đang điều tra vụ việc của chị Y. Sau màn “dọa dẫm”, đối tượng gửi cho chị một đường dẫn (link) và yêu cầu chị đăng nhập vào. Thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, chị Y phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 949 triệu đồng. Đến lúc này, chị Y mới biết mình bị lừa, vội vàng ra cơ quan công an trình báo.

Không chỉ gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp, nhiều đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để lừa đảo. Cụ thể, do nhiều người bị ảnh hưởng mất việc làm vì dịch Covid-19, nên các đối tượng đã lừa đảo với hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online cho các sàn thương mại điện tử. Nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Chỉ huy CAQ Cầu Giấy cho biết, mới đây, một phụ nữ đã đến CAP Dịch Vọng Hậu để trình báo bị kẻ gian lừa đảo mất gần 1 tỷ đồng. Chị N, nạn nhân vụ lừa đảo cho biết đã nhận được một lời mời làm cộng tác viên chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử... Sau khi tham gia vào công việc, chị N được đối tượng hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng, để được hưởng tiền hoa hồng. Mỗi ngày có 7-15 nhiệm vụ với số tiền thưởng dao động từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng, tùy vào nhiệm vụ.

Chị N đã thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền là gần 1 tỷ đồng và được hứa sẽ nhận tiền công khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền đã xuất ra, song đợi mãi, giục đòi mãi mà chị N vẫn không nhận được tiền gốc cùng phần trăm chiết khấu. Lúc này, biết mình bị lừa, ngày 28/2/2022, chị N đã đến Công an phường Dịch Vọng Hậu trình báo sự việc.

Bài học cảnh giác không bao giờ cũ

Thông tin với phóng viên, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cho biết: Thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan tư pháp, Công an, tòa án, thuế... đã xảy ra nhiều năm nay. Cũng trong suốt thời gian này, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận, huyện đã liên tục cảnh báo với người dân về phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm.

Thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra. Ngoài ra, còn một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cơ quan Công an.

Người dân cần hết sức cảnh giác, tránh sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo

Người dân cần hết sức cảnh giác, tránh sa vào bẫy của các đối tượng lừa đảo

Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Qua công tác nắm tình hình, số bị hại mà các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mạo danh, giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp rất đa dạng, đa phần là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có trường hợp bị hại là cán bộ của các cơ quan Nhà nước...

Điểm chung của tất cả các bị hại trên đều là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Đã có rất nhiều người dù đã ra ngân hàng định chuyển tiền song lại dừng ở phút cuối, giữ được tiền. Tuy nhiên, đối với những người dân sử dụng dịch vụ tiện ích bằng điện thoại kết nối thẻ ngân hàng, việc ngăn chặn rất khó bởi chỉ cần ít phút, họ đã chuyển khoản cho đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, để kịp thời phòng tránh, đề nghị người dân cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác. Đối với thủ đoạn được gọi, nhận làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Trong những trường hợp phía đối tác yêu cầu chuyển tiền ứng hàng hóa, phải hết sức cảnh giác, cần nắm “đằng chuôi” tránh bị mất tiền oan. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với công dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.