Nhiều hộ kinh doanh vẫn còn thờ ơ trong công tác tập huấn PCCC

ANTD.VN - Nhà ở kết hợp kinh doanh, đặc biệt là dạng nhà ống luôn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường khi có cháy xảy ra. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào nào để đảm bảo an toàn tối đa về phòng chống cháy nổ, nhất là ở các cơ sở nằm sâu trong ngõ nhỏ, trong khi một bộ phận chủ hộ kinh doanh và người dân vẫn còn thờ ơ, xem nhẹ công tác PCCC.

Một buổi tập huấn công tác PCCC&CNCH cho các hộ kinh doanh trên địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội… Dự kiến số lượng cơ sở tham gia vào khoảng 500, nhưng thực tế đến dự chỉ được gần 1/3 số này…

Đã là giữa buổi học nhưng còn rất nhiều chiếc ghế vẫn còn trống… Để đủ chỉ tiêu, một số hộ đến rồi lặng lẽ về lúc nào không biết (HÌnh 03700 – 03702); có hộ gần hết buổi mới đến điểm danh, hoặc thậm chí có ngồi cũng để làm việc riêng...

Tình hình cháy nổ trong thời gian qua ở các hộ gia đình có kết hợp kinh doanh chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 50%. Đặc biệt, nó xảy ra do 3 nhóm nguyên nhân chính: ý thức chấp hành về quy định an toàn PCCC của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế; người dân còn xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình; do vi phạm các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng.

Và thực tế đã chứng minh, những buổi tập huấn công tác PCCC như thế này là vô cùng hữu ích đối với người dân. Bên cạnh việc trang bị kiến thức để hiểu hơn những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tại nơi mình sinh sống, làm việc thì qua tập huấn họ cũng được thực hành cách sử dụng những trang thiết bị cứu nạn cứu hộ, thiết bị chữa cháy cầm tay và cách bình tĩnh trong xử lý các tình huồng cháy nổ.

Sau một thời gian phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các lớp tập huấn công tác PCCC cho các hộ kinh doanh và người dân đã được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức. Tuy nhiên, sự hưởng ứng, ủng hộ, nhiệt tình tham gia các lớp học miễn phí này của người dân và các hộ kinh doanh mới là yếu tố then chốt để bảo vệ tài sản, tính mạng bản thân và những người xung quanh, bởi hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu ý thức của người dân còn kém thì vô hình chung sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở bất cứ đâu.

“Nước xa không cứu được lửa gần”. “Phòng hỏa” phải bắt đầu từ cơ sở như thế mới giúp giảm thiệt hại tối đa. Để đạt được điều đó phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức của người đứng đầu cơ sở, từ chính người dân đang công tác, sinh sống tại những nơi này…