Nhiều "điểm nóng" gây bức xúc của ngành giáo dục liên quan đến văn hóa học đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ ra những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội như chạy trường, chạy điểm, bạo lực, thiếu trách nhiệm với bản thân... nhiều ý kiến thống nhất việc cần chú trọng hơn nữa xây dựng văn hóa học đường.
Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình giáo dục phổ thông 2018 lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm

Bộ GD-ĐT khẳng định chương trình giáo dục phổ thông 2018 lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm

Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương cho rằng, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, hiện, bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của học đường.

Theo ông Quát, tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất. Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy” vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc của học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Cùng đó là tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… Theo ông Quát, đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phải giải quyết không ít vụ việc nóng liên quan đến bạo lực học đường, đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho biết, bên cạnh những kết quả, nỗ lực xây dựng văn hóa học đường, hiện nay vẫn có biểu hiện xuống cấp, đang là mối lo ngại và trở thành vấn đề “nóng” của xã hội.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng văn hóa học đường dẫn đến những hành vi lệch chuẩn như tình trạng bạo lực học đường, lối sống vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, thầy cô, bạn bè…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người.

Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GDĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài.

Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GDĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Nêu nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa học đường, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tập trung lưu ý một số nội dung cụ thể.

Trước hết là triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những vấn đề thuộc về hệ giá trị đã nêu ra trong Chương trình mới đều đã có. Đặc biệt lưu ý triển khai tốt những môn học mới và giáo dục về thẩm mĩ, những yếu tố giáo dục rất có tác dụng trong việc phát triển con người. Làm thật tốt đều này là một bước quan trọng của gây dựng, phát triển văn hóa học đường từ góc độ nội dung cốt lõi.

Bên cạnh đó, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường; đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất. Đồng thời, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, cần tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

“Văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Trong đó phải lấy tinh thần khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để gây dựng yếu tố văn hóa đối với người thầy” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho rằng, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh, cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác chỉ cho thầy cô làm gương.

“Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để giữa cho đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất.

Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững.”- Bộ trưởng nêu rõ.