Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn, áp mức phạt phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm ủng hộ phương án quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn, song cũng đề nghị nên có mức phạt phù hợp hơn và tránh lạm dụng xử phạt…
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) phát biểu thảo luận

Sáng 27-3, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) đường bộ.

Một trong những nội dung hiện còn ý kiến khác nhau tại dự án luật này là quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo thiết kế 02 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).

Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Dù đưa ra hai phương án, song UBTVQH nhất trí với đề xuất của Chính phủ là lựa chọn phương án 1, tức ủng hộ quy định hướng cấm tuyệt đối nồng độ cồn, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phát biểu thảo luận

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phát biểu thảo luận

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng ủng hộ lựa chọn phương án này. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần thiết phải cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn, dù quy định này sẽ tác động nhất định đến một số vấn đề như nét văn hóa của người dân, nguồn thu ngân sách từ rượu, bia…

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, khi thảo luận tổ lần đầu về dự án luật này, ông đề nghị cần quy định ngưỡng khi xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu toàn diện về ưu, nhược điểm giữa hai phương án đề xuất, ông ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

“Khi đã ngồi vào bàn rượu rồi, làm sao xác định được thế nào là uống trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng” - ông Thắng phân tích và đề và đề nghị xử lý nghiêm để hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Bên cạnh đó, một số ĐBQH ủng hộ hướng quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn nhưng đề nghị rà soát, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp và phải có lộ trình từng bước.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, cần tăng nặng xử phạt với mức vi phạm nồng độ cồn cao. Ngược lại, với người tham gia lái xe có nồng độ cồn mức thấp, dưới 0,1mg/lít khí thở, thì chỉ nên xử phạt hành chính, nhưng không tước giấy phép lái xe.

Ngoài ra, cũng vẫn có những ĐBQH lựa chọn phương án 2, tức đề nghị chấp nhận một ngưỡng nhất định nồng độ cồn ở người tham gia lái xe, với lý do cấm hoàn toàn là khó khả thi.