Nhiều chủ đất khóc ròng vì trót ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất có công chứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, không ít chủ đất khi mua bán nhà đất rơi vào cảnh dở khóc dở cười do đã ký Hợp đồng đặt cọc có công chứng mà bên mua bỏ cọc. Khi đó, chủ đất dù muốn bán nhà đất cho người khác nhưng không có VPCC nào chịu ký…

Gọi điện đến đường dây nóng ANTĐ, anh Nguyễn Hải Nam ở huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, do cần tiền nên 6 tháng trước, anh đã rao bán ngôi nhà đang ở với giá 4 tỷ đồng. Sau khi tìm được người mua, vợ chồng anh Nam cùng bên mua tới một văn phòng công chứng làm Hợp đồng đặt cọc công chứng theo đề nghị của họ với số tiền cọc là 50 triệu đồng.

Theo hợp đồng, trong 30 ngày kể từ ngày ký, bên đặt cọc có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền để anh Nam làm thủ tục chuyển nhượng quyền theo quy định. Quá thời hạn trên, bên đặt cọc không thanh toán đủ sẽ bị mất tiền cọc

Song quá thời hạn hợp đồng, bên mua nhà không thanh toán nốt tiền cũng không thể liên lạc được. Do đó, anh Nam quyết định bán nhà cho người khác dù giá thấp hơn 150 triệu đồng.

Tuy vậy, khi đến văn phòng công chứng làm thủ tục mua bán, anh Nam mới biết, nếu muốn bán nhà cho người khác, anh phải hủy hợp đồng đặt cọc công chứng với khách đầu tiên. Đến nước này, anh chỉ biết than trời vì không biết người đã ký hợp đồng đặt cọc đang ở nơi nào.

Những tờ rơi rao bán nhà được dán khắp nơi

Những tờ rơi rao bán nhà được dán khắp nơi

Về hiện tượng trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khi bên mua và bán ký Hợp đồng đặt cọc tại Văn phòng công chứng thì trên hệ thống công chứng đã có thông tin “thửa đất …./TBD số… đã ký HD đặt cọc ngày….”. Theo hợp đồng này, đến hạn ký Hợp đồng mua bán mà bên bán không bán thì phải trả lại tiền cọc và thêm một khoản tiền do 2 bên thỏa thuận, bên mua không mua thì mất tiền đặt cọc.

Theo quy định, khi bên mua bỏ cọc (không đến ký công chứng/không liên hệ được/tắt điện thoại….), việc hủy Hợp đồng đặt cọc đã công chứng phải được cả 2 bên đồng ý (Điều 51 Luật Công chứng 2014). Tuy vậy, trên thực tế, hầu hết bên mua khi đã bỏ cọc thì không quay lại để ký hủy với bên bán.

Do đó, công chứng viên không thể biết Hợp đồng đặt cọc đã được các bên giải quyết ra sao nên không thể xác nhận cho chủ đất thực hiện giao dịch liên quan đến nhà đất này với người khác. Điều đó đã đẩy chủ đất vào cảnh khó khăn.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, để tránh rơi vào tình huống này, trước khi ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất, 2 bên cần thận trọng cân nhắc xem có nên đến ký tại Văn phòng công chứng không vì pháp luật hiện hành không quy định hợp đồng này bắt buộc phải công chứng mới có hiệu lực.

Trường hợp hợp đồng đặt cọc bất động sản đã được công chứng, khi huỷ hợp đồng, hai bên phải thực hiện thủ tục huỷ hợp đồng tại văn phòng công chứng nơi đã công chứng hợp đồng ban đầu. Nếu bên mua không đến tổ chức công chứng để ký Hợp đồng mua bán như cam kết thì bên bán yêu cầu công chứng viên lập biên bản sự việc hoặc liên hệ liên hệ Thừa phát lại lập vi bằng tại thời điểm đó để làm chứng cứ nhằm giúp bên bán có thể thuận lợi khi quá trình giải quyết tại Tòa án.

Tiếp theo đó, bên bán cần khởi kiện ra Tòa án để tuyên hủy hợp đồng đặt cọc đã được công chứng. Việc khởi kiện để hủy hợp đồng đã công chứng được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Công chứng.

Bên cạnh đó, hợp đồng đặt cọc công chứng nên ghi nhận rõ địa chỉ liên hệ của bên đặt cọc; các thông tin về nhân thân, số điện thoại liên hệ; tổ chức công chứng sẽ ký kết Hợp đồng mua bán sau này làm cơ sở chứng cứ cung cấp cho Tòa án.