Nhiệm vụ mới cho tiêm kích F-35: Đánh chặn ICBM của Triều Tiên?

ANTD.VN - Nhiệm vụ của tiêm kích đắt đỏ F-35 có thể sẽ không dừng lại ở việc tác chiến trên không mà còn là phát hiện và đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ những nước thù địch với Mỹ như Triều Tiên.

Các ICBM thường là một mối đe dọa lớn với Mỹ sau khi nó đã bước vào giai đoạn trở lại bầu khí quyển và tốc độ có khi vươn tới Mach 24. 

Mỹ có các hệ thống radar và tên lửa đánh chặn từ mặt đất nhằm ngăn chặn ICBM nhưng không ai có thể chắc chắn rằng, nó sẽ ngăn chặn được mọi loại ICBM nhất là khi nó mang theo nhiều đầu đạn hay mồi nhử. 

Rủi ro này khiến Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đang nghiên cứu ý tưởng sử dụng chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhằm tiêu diệt ICBM ngay khi nó ở trong giai đoạn phóng lên từ mặt đất. 

Không quân Mỹ đang sở hữu những tên lửa không đối không, với khả năng khóa và tiêu diệt mục tiêu di chuyển ở tốc độ cao, do đó bắn hạ một ICBM của Triều Tiên khi chưa bước vào giai đoạn tăng tốc là một lí thuyết có thể trở thành hiện thực. 

Theo nhà thầu quân sự Northrop Grumman, hệ thống cảm biến của F-35 đủ khả năng phát hiện tên lửa đối phương và vẽ ra quỹ đạo di chuyển của tên lửa. 

Dữ liệu này cũng có thể chuyển về các hệ thống tên lửa mặt đất như THAAD hay Patriot để lập ra phương án đánh chặn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng hoài nghi với kịch bản này do các tên lửa không đối không của Mỹ như AIM-120 chỉ có thể hoạt động tốt trong môi trường không khí ổn định, điều này có nghĩa là nó chỉ có vài phút để đánh chặn ICBM trước khi nó bay ra ngoài bầu khí quyển trái đất. 

Máy bay F-35 được biết đến với khả năng tàng hình trước radar nhằm xâm nhập được vào không phận đối phương, tuy nhiên, chuyên gia tên lửa Laura Grego thuộc Liên minh các nhà khoa học Mỹ (UCS) nhận định, nhiệm vụ đánh chặn ICBM khiến nó phải tiến gần tới các khu phóng tên lửa và điều này khiến nó bị phát hiện, rồi trở thành mục tiêu của tên lửa phòng không. 

Trong khi đó, chuyên gia hạt nhân Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (Mỹ) bình luận, việc phát hiện trước địa điểm Triều Tiên phóng ICBM cũng là một khó khăn khi các hệ thống ICBM thường được chở trên một xe tải lưu động và có thể ở bất kì nơi nào. 

Những vấn đề khác còn có thể kể đến như việc F-35 cần tái nạp nhiên liệu sau vài giờ tuần tra, do đó sẽ cần thêm máy bay tiếp nhiên liệu trên không, khiến chi phí tăng cao.

Hay việc F-35 xâm nhập vào không phận của Triều Tiên và bắn hạ một ICBM khi chưa biết nó thực sự có gây đe dọa cho Mỹ không là hành động bị coi là khiêu khích chiến tranh. 

Mỹ hiện có 16 chiếc F-35 đồn trú tại Nhật Bản. Theo ước tính, mỗi ngày tuần tra của 16 chiếc máy bay này sẽ tốn 3 triệu USD tiền nhiên liệu và một số phụ phí khác. Như vậy, một năm tuần tra sẽ mất hơn 1 tỉ USD nhưng cơ hội bắn được tên lửa Triều Tiên là cực kỳ nhỏ.