Nhị Hà dòng sông không bao giờ cạn

(ANTĐ) - Trên thế giới hiếm thấy thủ đô nào có nhiều sông hồ như Hà Nội. Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, Thành Công, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… dễ đến vài chục hồ. Có tới 13 sông chảy qua Hà Nội.

Nhị Hà dòng sông không bao giờ cạn

(ANTĐ) - Trên thế giới hiếm thấy thủ đô nào có nhiều sông hồ như Hà Nội. Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, Thành Công, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… dễ đến vài chục hồ. Có tới 13 sông chảy qua Hà Nội.

Nhưng thân thuộc gần gũi với người Hà Nội vẫn là sông Hồng, dòng sông chảy qua giữa lòng thành phố. Sông Hồng từng có nhiều tên gọi khác nhau: sông Cái, sông Nhị Hà. Nhị Hà chảy đến địa phận Hà Nội dòng chảy uốn cong như hình vành tai bởi vậy mới có tên Nhĩ Hà gọi chệch là Nhị Hà.

Ngày xưa các sông hồ trong lòng Hà Nội giao kết nhau tạo thành mạng lưới giao thông chằng chịt trên bộ dưới thuyền. Các sông trong lòng Hà Nội giờ đã hẹp dòng, lại bị ô nhiễm trầm trọng, chỉ còn sông Hồng vẫn rộng dài như ngàn xưa. Dù khí hậu và thời tiết đổi thay, dù cho con người và thiên nhiên xâm hại, nhưng chưa bao giờ sông Hồng cạn khô kiệt nước. Dù mùa khô hay mùa lũ dòng sông vẫn một màu hồng tươi tắn - màu phù sa.

Qua dòng chảy thời gian, dòng sông vẫn lầm lũi, miệt mài lấn biển, mở rộng thêm bình nguyên Bắc bộ màu mỡ. Nước sông Hồng không chỉ chứa phù sa mà còn có nhiều khoáng chất tác động tích cực tới đời sống con người. Nhiều người nghiện tắm sông Hồng. Da họ bắt nắng đỏ au như người miền biển. Chả biết nước sông Mẹ có phép lạ gì, nhưng người nghiện nó ít thấy ốm đau. Mùa hè đường phố ngột ngạt, đường nhựa bốc hơi  như lò sấy, vượt ra bờ sông Hồng hóng gió, uống cốc nước chè tươi dưới bóng tre già, thả mắt xuống dòng sông, chợt thấy cảm giác khoan khoái, lâng lâng choáng ngợp.

Sông Hồng nổi tiếng với các loài thủy sản: cá Lăng, cá Anh vũ, cá Bống, cá Chiên và đặc biệt là loài rùa khủng, lưng to bằng cái chiếu con. Ở vùng Hạ Hòa, Phú Thọ người dân  nhiều lần thấy rùa nổi trên mặt nước. Người ta còn tìm được cả rổ trứng rùa trên bãi cát. Chiều nay tôi thả bộ qua cầu Long Biên lịch sử - cây cầu hiện đại trên thế giới khi nó mới ra đời. Đứng trên thành cầu hứng gió nồm, nước sông vẫn đục ngầu chảy xiết, bất giác tôi nhớ đến ca từ:

“Nơi tôi sinh Hà Nội

Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy

Ngõ nhỏ phố nhỏ

Nhà tôi ở đó

Đêm nằm nghe trong gió

Tiếng sông Hồng thở than”

Hà Nội đã có ngày ngút trời khói lửa của chín năm kháng chiến trường kỳ và trong đạn bom, lửa cháy những ngày chống Mỹ. Cầu Long Biên đã bao lần gục đổ rồi lại đứng dậy hiên ngang trong mưa bom bão đạn, đặng giữ cho tuyến giao thông huyết mạch của Tổ quốc không bao giờ ngừng chảy.

Dòng sông Hồng quằn quại, đau đớn với những mất mát hy sinh. Sông đau với nỗi đau dân tộc, buồn với nỗi buồn đất nước. Sông hòa quyện, gắn bó với con người. Và con người cũng lắng nghe nhịp thở của dòng sông. Nơi đây vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789, hàng vạn quân xâm lược Mãn Thanh đã phải đền mạng khi tháo chạy.

Nơi đây vào một đêm năm 1946, sau 60 ngày đêm khói lửa cầm chân quân địch, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật vượt sông Hồng trước mũi súng của binh lính Pháp. Đây là cuộc rút quân thần kỳ có một không hai trong lịch sử. Dòng sông chính là con đường sống cho những người con dân đất Việt. Họ đã vượt qua chính nơi mà kẻ thù không thể ngờ tới. Đó là những người dân lam lũ đã một lần đứng lên: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Tôi có dịp may được phỏng vấn bác Bùi Nguyên Cát - nguyên là cán bộ chỉ huy Trung đoàn Thủ đô về cuộc rút quân thần kỳ độc nhất vô nhị. Bác kể về công tác chuẩn bị, về tổ chức và chọn lựa thời điểm vượt sông. Về việc các chiến sĩ phải ngậm tăm, xát tỏi vào da để chó không ngửi thấy hơi người. Giọng bác trầm ấm xúc động: “Đồng bào đã cưu mang giúp đỡ trung đoàn vượt sông an toàn. Bọn địch không ngờ ta rút theo hướng này. Nhưng ngày hôm sau giặc Pháp đã gây ra cuộc thảm sát trả thù hèn hạ”.

Nói đến đây giọng bác chùng xuống ngậm ngùi. Bác lấy mù xoa ngăn nước mắt. Đoàn quân ngày ấy lặng lẽ ra đi và họ đã trở về ca khúc khải hoàn. Và đoàn quân ấy còn tiếp tục tiến hành cuộc trường chinh vĩ đại vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Và mùa xuân 1975 lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Tổ quốc ta vĩnh viễn thống nhất, non sông gấm vóc đã thu về một mối. Lịch sử đã sang trang, cả nước bước vào kỷ nguyên của độc lập tự do.

Đất nước đang hồi sinh mạnh mẽ. Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Những cây cầu mới đang nối hai bờ gần lại. Những dự án tôn tạo, xây dựng thành phố sông Hồng đang được tính đến. Chắc chắn rằng, một ngày không xa nữa, sông Hồng sẽ trở thành điểm đến, nơi hẹn hò cho các du khách gần xa.

Nguyễn Tiến Hóa