Nhận diện tội phạm sử dụng giấy tờ giả để gây án

ANTD. Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không những làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức đó mà còn gây mất ANTT. Không ít đối tượng đã phải nhận hình phạt thích đáng của pháp luật vì hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đối tượng vẫn sử dụng các loại giấy tờ giả để làm bình phong, che giấu nhân thân và tiếp tục đi gây án.

Giấy phép lái xe chứng minh nhân dân… cho đến thẻ Phó Trưởng ban thiết kế mạng cáp của Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam cũng bị làm giả. Đây là 4 “lá bùa hộ mệnh” cho Bùi Đức Giang, 39 tuổi, trú ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dùng để ngụy trang, thay tên đổi họ, trốn truy nã và đi trộm cắp tài sản.

Thực tế qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít giấy tờ giả. Phương thức, thủ đoạn làm giả tài liệu, con dấu ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nếu trước đây, việc làm tài liệu giả thường bằng công nghệ in thủ công, thì nay, nhờ các kỹ thuật vi tính hiện đại hoặc “chế” từ phôi thật, hàng trăm mẫu giấy tờ giả được in sao như thật, mắt thường rất khó phát hiện.

Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội, mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng hàng trăm vụ trưng cầu giám định và qua đó đã phát hiện khá nhiều vụ làm giả… Trong đó nhiều giấy tờ quan trọng như sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Mặc dù được in bằng kỹ thuật cao nhưng vẫn có một số đặc điểm dễ dàng phân biệt.

Việc sử dụng tài liệu, con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật, không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lợi ích của cơ quan, tổ chức còn gây mất đến tình hình ANTT.

Để tăng cường đấu tranh với tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức đấu tranh, tố giác khi phát hiện đối tượng này, tuyệt đối không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả.