Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Luôn nghiêng về phía biển

ANTĐ - Quỳnh Hợp những ngày này rất bận rộn, dù chị không phải diễn viên điện ảnh, không phải ngôi sao ca nhạc thị trường, cũng chẳng phải diễn viên hài. Quỳnh Hợp chỉ đơn giản là một nhạc sĩ đang làm báo. Chị bận, bởi trái tim chị luôn nghiêng về phía biển.

Sục sôi tiếng sóng Biển Đông

Mới sáng chủ nhật mà Quỳnh Hợp vẫn tíu tít bận. Các thành viên trong nhóm đi Trường Sa của chị hẹn nhau hàn huyên, nhớ về chuyến đi của 2 năm trước, vậy mà phút chót Quỳnh Hợp mới có mặt. Sắp đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam - ngày Tết của nhà báo, bận là một nhẽ, Quỳnh Hợp bận vì lo cho chương trình ca nhạc đặc biệt “Những người giữ biển” phát trên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Đây là “Đài nhà”, là chốn lâu nay có đi đâu rồi cũng phải về, chui vào cái “hang” quen thuộc để sáng tác. 

Hơn một tháng nay, từ khi dư luận sục sôi chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trái tim chị như sục sôi hơn. Chị ngủ ít đi, cà phê với bạn bè cũng giảm. Rồi qua những cơn bùng sôi ấy, Quỳnh Hợp lắng lại, dành tất cả thời gian để đọc và viết. Những ca khúc của chị liên tục ra đời, cuồn cuộn cùng với tiếng sóng ngọn gió vọng về từ Biển Đông. Người nghe có thể thấy “Tiếng biển”, thấy “Hịch Biển Đông” da diết, thấy tự hào “Sôi lên hào khí Việt Nam”… 

Không phải đến giờ Quỳnh Hợp mới “nghiêng về phía biển”. Nhiều năm trước, biển đảo đã đi vào những sáng tác âm nhạc của chị. Bắt gặp bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, chị lập tức chắp cánh thơ vào nhạc. Gặp tứ thơ “Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình” của Nguyễn Phan Quế Mai, chị lại thức thâu đêm phổ nhạc để hôm sau mời ca sĩ Dương Quốc Hưng thể hiện. Rồi những ca khúc “Nghe em hát ở Trường Sa”, “Nếu em không yêu lính hải quân”, “Nhớ đêm Trường Sa”… cứ thế lần lượt ra đời. 

Viết để trải lòng mình

Quỳnh Hợp bảo rằng, biển đảo quê hương là đề tài chị rất quan tâm. Trước hết là tình yêu thương, mong muốn được sẻ chia, gửi gắm niềm tin, tình yêu với những người lính đảo nơi tiền tuyến của Tổ quốc. Sau nữa, để Hoàng Sa, Trường Sa đến gần hơn với đồng bào trong và ngoài nước, để những hòn đảo ngoài khơi xa ngày càng ấm áp hơn, đầy đủ hơn với sự chung tay của nhân dân cả nước. Với người sáng tác thì thông qua tác phẩm của mình không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, còn muốn nhân lên tinh thần yêu nước, khơi gợi tình yêu biển đảo tới các bạn trẻ, để họ thấy rõ trách nhiệm, thấy được giá trị của cuộc sống bình yên nơi đất liền…

Lần nào có dịp ra Hà Nội, Quỳnh Hợp cũng gọi tôi ra ngồi vỉa hè phố Phan Đình Phùng uống cà phê. Với chị, đây là con phố đẹp nhất Hà Nội. Hẳn rồi, còn phố nào đẹp hơn cái nơi “cất giữ” một phần tuổi thơ của chị?

Trong những cữ cà phê ấy, Quỳnh Hợp nói nhiều về công việc, về những chuyến đi. Cứ mải miết hết Nam lại ra Bắc, hết xuống biển lại lên rừng. Những chuyến đi không ngừng nghỉ, chiếm hết thời gian thời trang, son phấn của đàn bà. Và sau mỗi chuyến đi ấy, bao giờ chị cũng lao vào viết. Những ca khúc ghi lại cảm xúc chảy tràn của chị. Tôi hỏi Quỳnh Hợp, chị thường có những ca khúc rất thời sự, đó có phải là lợi thế của một nhạc sĩ đồng thời là một nhà báo hay không? 

Chắng chút đắn đo, chẳng giây nghĩ ngợi, chị bảo, đó là đặc tính nhanh nhạy, khái quát sự việc của người làm báo kết hợp với những rung cảm thời đại của người làm nghệ thuật. Rồi chị nói, “nhưng trên hết, đó là những biểu cảm sâu sắc, cái nhìn của chính mình trước vận mệnh của đất nước, trước nhân dân và thời cuộc. Tôi viết nhạc rất thường xuyên và vào những thời điểm đặc biệt, thì viết liên tục. Viết để trải lòng mình, viết để chia sẻ với bạn bè thơ, với các nghệ sĩ”. Đúng vậy, dù là nhạc sĩ hay nhà báo, mỗi tác phẩm là tiếng nói của lòng mình, để trải lòng mình với cuộc đời này.

Có “duyên” phổ thơ người khác

Tôi không nhớ chính xác bài hát đầu tiên Quỳnh Hợp phổ thơ người khác là bài nào. Hỏi chị, chị cũng không nhớ. Chỉ biết, trong gia tài hơn 100 ca khúc của chị, phần lớn được phổ từ thơ của người khác. Lúc đầu, chi đọc trên báo thấy hợp với những suy nghĩ, rung cảm của mình thì phổ nhạc. Những bạn bè trên mạng người chia sẻ, người gửi thẳng vào inbox cho chị những bài thơ mới viết. Như mới đây, ca khúc “Đêm Hoàng Sa” được hoàn thành rất nhanh sau khi chị nhận được bài thơ của nhà báo Lê Mạnh Thường vừa viết ráo mực đã gửi qua email. Hoặc chùm 6 ca khúc được nhiều người biết đến gần đây như “Tiếng biển”, “Cầu truyền thanh trực tiếp”, “Bình minh phía đảo”… phổ thơ từ facebook “Lính biển Việt Nam”.

Những ngày này có lúc chị còn phải “khóa máy”, không dám “nạp thêm” những bài thơ mới, vì sợ bị chi phối khi các sáng tác mới còn dang dở. Chị cũng sợ cái tính thời sự báo chí nó át đi cái chất trầm lắng, sâu sắc cần có ở mỗi ca từ. Với chị, thơ ca và âm nhạc có sức mạnh lớn lao khi kết hợp lại sẽ tạo nên hiệu ứng mãnh liệt. Thơ và nhạc cũng phong phú và đầy ấn tượng “lúc rì rào, lúc dịu dàng thiết tha” và lúc “cuộn trào, sục sôi bão giông”. Nhưng đó cũng chính là lòng người, lòng dân. Khi đất nước bị lâm nguy, lòng yêu nước của người Việt lại bùng lên mạnh mẽ, tất cả lại đoàn kết sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thiêng liêng. 

“Chắc chắn sẽ có album”, đó là lời hứa của Quỳnh Hợp sau những ngày “thức nhiều, ngủ ít” để viết nhạc về Biển Đông. Chị “cam kết”: Sắp tới đây sẽ là 2 album ra mắt. Đó là “Tiếng biển” và “Sôi lên hào khí Việt Nam”. Trong 2 album đó sẽ là những ca khúc nóng hổi nhất và ưng nhất, được chọn từ những bài đã phổ và sẽ chọn thơ phổ trong thời gian tới để toát lên được 2 chủ đề đó. Hai album này phát hành vào trung tuần tháng 7 - đầu tháng 8 tới đây.