Nhà văn và giấy viết

(ANTĐ) - Ai chẳng biết khi viết thì cần phải có giấy. Song Hà Nội những ngày gian khó, những năm đầu sau Ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10-1954) đến tận ngày Giải phóng miền Nam (30-4-1975), rất khan giấy viết. Giấy in báo, in sách ở các nhà xuất bản hiếm khi được in bằng giấy trắng, thường là giấy bạc màu.

Nhà văn và giấy viết

(ANTĐ) - Ai chẳng biết khi viết thì cần phải có giấy. Song Hà Nội những ngày gian khó, những năm đầu sau Ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10-1954) đến tận ngày Giải phóng miền Nam (30-4-1975), rất khan giấy viết. Giấy in báo, in sách ở các nhà xuất bản hiếm khi được in bằng giấy trắng, thường là giấy bạc màu.

Tác giả của những bức tranh nổi tiếng về Hà Nội phố đã không ít lần vẽ trên cả những bao thuốc lá
Tác giả của những bức tranh nổi tiếng về Hà Nội phố
đã không ít lần vẽ trên cả những bao thuốc lá

Giấy đóng vở cho học sinh cũng thế, giấy đen, gai sần và thô ráp. Đã thế, các cửa hàng bách hoá cũng không có nhiều giấy để bán, giá lại cao. Bấy giờ còn tiêu tiền xu. Lương cán bộ đến tận năm đổi tiền vào cuối thập kỷ bảy mươi vẫn tính từ đơn vị đồng (một đồng là 10 hào, 100 xu). Bơm xe một bánh từ 2 đến 5 xu. Tách cà phê, bát phở là 3 hào. Một thếp giấy, một quyển vở giá từ 1 hào đến vài hào, có khi còn không có mà mua. Lương tháng của các nhà báo, nhà văn thường từ trên 30 đồng đến hơn 50 đồng. Ít người có lương từ 50 đồng trở lên.

Để có giấy viết, viết nháp và cả viết thành bản thảo hoàn chỉnh, các nhà văn, nhà báo thời đó có “sáng kiến” gom nhặt hoặc xin các loại giấy một mặt chưa có chữ và hình ảnh dùng làm giấy nháp, viết bài, làm phong bì gửi bài. Không ít nhà văn, nhà báo đã dùng cả vỏ bao thuốc lá bóc ra, lật ngược lại để viết. Mà hoạ sỹ Bùi Xuân Phái vẽ tranh lên mặt trắng vỏ bao thuốc lá mà thành bức tranh nổi tiếng đó thôi.

Danh hoạ nổi tiếng này vẽ lên vỏ bao thuốc lá như một cái thú của mình và cũng là để tiết kiệm. Khách đến chơi có muốn xin tranh của ông thì ông lại tặng cho bức tranh mini, nhỏ như lòng bàn tay. Bây giờ những bức tranh trên vỏ bao thuốc lá ấy được các nhà sưu tập săn lùng với mức giá cao. Thời đó, hoạ hoằn lắm mới có được tờ áp phích, quảng cáo phim láng coóng, quý lắm. Thật yên lòng khi có những tờ bản tin VNTTX một mặt.

Nữ nhà văn Lê Minh Khuê khi từ đơn vị thanh niên xung phong tuyến lửa về Báo Tiền phong đã viết bài báo đầu tiên, truyện ngắn đầu tiên, viết những chữ đều tăm tắp ở mặt sau của những bản tin VNTTX như thế. Tôi có may mắn được trông thấy một số bài viết của chị lúc đó và được tác giả cho đọc bản thảo. Tờ nọ tiếp tờ kia, không dập xoá một chữ nào kể cả truyện ngắn và bài phóng sự mà bút viết là bút máy có ngòi bút, chứa mực lỏng chứ chưa có bút bi như bây giờ.

Tôi còn nhớ truyện ngắn “Chú bồ nông xứ Sa mác nan” và “Con le nghiện” viết cho thiếu nhi gửi đăng Báo Thiếu niên Tiền phong của nhà văn Tô Hoài được viết trên giấy thếp đen như giấy bản và mực viết là mực tím, nét nào ra nét ấy. Nhà thơ Phạm Hổ từng gửi bản thảo thơ viết cho thiếu nhi tới Báo Thiếu niên trên mảnh giấy in báo rộng hơn bàn tay một chút. Nhà văn Lý Biên Cương năm còn làm việc ở Báo Quảng Ninh đã xin ở nhà in rẻo giấy thừa từ những súc giấy, cuộn giấy in bỏ đi.

Rẻo giấy thừa đó chỉ rộng chừng 10cm, dài lòng thòng được nhà văn Lý Biên Cương dùng làm giấy viết. Báo Thiếu niên Tiền phong từng nhận được truyện ngắn viết cho trẻ em trên băng giấy dài như thế. Và cũng đã có truyện ngắn của nhà văn này từng đoạt một trong 3 giải cao cũng được viết trên băng giấy vui vui như vậy. Cụ Nguyễn Công Hoan khi viết truyện hay dùng những tờ giấy khổ nhỏ, là giấy rời để khi viết xong cần phải sửa ý, chữa câu văn nếu có phải chép lại cho sạch sẽ thì không phải chép lâu, chép nhiều.

Cái thời gian khó khan hiếm đó, chẳng mấy nhà văn nào khó tính với giấy viết. Rồi dường như nó đã trở thành thói quen của các nhà văn, ngay cả cho đến bây giờ, giấy viết, giấy trắng đã không còn khan hiếm nữa, nhưng nhiều nhà văn vẫn quen viết trên giấy đã được dùng một mặt và dùng những tờ lịch đã cũ để làm phong bì gửi bài đến các báo. Vậy mà, những tác phẩm viết trên giấy loại ấy đã để lại dấu ấn cho đời. Còn giờ, giấy trắng thừa mứa mà sao khó tìm được tác phẩm hay.

Phong Thu