Nhà thơ Trang Thanh: “Hạ cánh” là để bay lên!

ANTĐ - Như đã hẹn, đã hứa “không ngại chối tỉ với... Tí Chổi”, nhà thơ Trang Thanh tiếp tục trở lại với độc giả nhỏ trong tập truyện thứ 2 có tựa đề “Tí Chổi và Bà mẹ Camera“. Vẫn cách viết tung tẩy với thứ ngôn ngữ chỉ bắt gặp ở lứa tuổi “xì tin”, chị đã chứng tỏ rằng không phải càng lớn, người ta lại càng rời xa con trẻ nhiều hơn, và rằng ngay cả sự việc nghiêm túc nhất cũng có thể trở nên hài hước qua lăng kính bé thơ.

Nhà thơ Trang Thanh và cô con gái đem lại nguồn cảm hứng....”Tí Chổi” cho chị!


Con gái tôi luôn... “thủ thế”!

- PV: Cầm tập sách “Tí chổi và Bà mẹ Camera” trên tay, không thấy in dòng đề tựa “Viết cho con gái” như ở tập đầu tiên “Tí Chổi”. Không biết Tí Chổi ngoài đời của chị có thắc mắc về điều này không?

- Nhà thơ Trang Thanh: Tí Chổi không thắc mắc vì cô bé chẳng khi nào muốn công khai thừa nhận mình có những câu chuyện đã “chối tỉ không chịu được”, lại còn được bà mẹ phóng đại thêm lên và phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. Nhưng đã có các cháu trai thắc mắc hỏi: “Cô viết cho con gái à? Con trai không được đọc phải không?“. Thế nên ở tập sách này, tôi không đưa đề tựa vào, hai mẹ con “ngấm ngầm” hiểu với nhau là được (cười).

- Lần này cô con gái có “comment” (bình luận) gì khi bị mẹ “lôi” lên sách với những câu chuyện mà chỉ có hai mẹ con mới biết không?

- Con gái tôi luôn “thủ thế” chối đây đẩy hết tất thảy mọi chuyện và cũng không chịu nhòm ngó vào bản thảo của mẹ. Kể cả khi mẹ có nhờ đọc lại xem viết thế có được không thì cô bé cũng luôn thách thức: “Mẹ cứ viết đi, sách in ra con mới thèm… “thẩm định”.

- Nhiều người vẫn tò mò không biết khi đặt bút viết tập “Tí Chổi và Bà mẹ Camera” lần này, chị có hư cấu nhiều không?

- Câu chuyện của nhân vật Tí Chổi đã ngày càng “bị đẩy xa” khỏi nguyên mẫu rất nhiều. Không gian truyện được ảo hóa với sự xuất hiện của một nhân vật Áo Choàng, một “người lạ kỳ” cũ - rách - ngắn - hỏng bị vứt ra bãi rác và “bất đắc dĩ” phải tìm về chủ nhân Tí Chổi để than thân trách phận rồi trở thành bạn của Tí Chổi. Thêm “ngũ quậy ngoài hành tinh“ và nhiều nhân vật khác, sẽ làm thành đội bạn hùng hậu cùng bước vào tập 3 nữa....

- Đọc sách thấy chị không ngại để Tí Chổi tiếp tục “phanh phui” những tật xấu và điểm yếu của mẹ một cách rất hồn nhiên, đấy là chị tự họa về mình hay đúng giọng điệu ngoài đời của Tí Chổi?  

- Đấy là giọng của nhân vật đấy, nhưng mà có hơi hướng giống với giọng điệu của nguyên mẫu Tí Chổi ngoài đời. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi và con gái luôn tạo tiếng cười cho nhau bằng sự tự trào, hoạt kê và giễu nhại. “Mẹ là người đàn bà muốn uống nước và lấy cái ghế thì quát con” là câu thơ mở đầu trong bài thơ “Người mẹ u sầu và điều ước của tôi” mà con gái tôi viết về mẹ mình đấy chứ.

- Có rất nhiều bài thơ, đoạn “bắn” nhạc Rap vui nhộn và bắng nhắng được đưa vào trong sách, đó là do chị tự nghĩ ra hay sáng tác mà cô con gái chia sẻ “bản quyền” vô điều kiện với mẹ vậy?

- Con gái tôi có nhiều lúc hứng chí “bắn” Rap để mua vui cho mẹ, nó lúc nào cũng rất sợ mẹ buồn. Tất nhiên nghe xong tôi không thể nhớ được chi tiết nhưng “hồn vía” của nó được in trong đầu và khi viết thì nó tự nhiên bật ra. Con gái tôi thì thế này, nó cung cấp tư liệu cho tôi, cho phép tôi có thể phóng đại mọi chuyện lên thoải mái nhưng đòi bản quyền bằng… sách. Có những phát ngôn, suy nghĩ của con kiểu như “Mẹ hãy viết thứ văn có thể cười”, hay “Mọi việc trẻ con làm chỉ là trò chơi” nhiều khi khiến tôi giật mình về sự có lý của nó. Hóa ra người lớn thường rất hay quan trọng hóa vấn đề khiến mình bỗng dưng trở nên cứng nhắc và mất đi sự hồn nhiên cần thiết làm men say cho cuộc sống. 


Tí Chổi có chất liệu để... làm phim!

- Nhân vật Tí Chổi trong truyện có một giấc mơ khá... hay ho là làm một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của mẹ mình. Điều này có gợi mở trong chị ý định đưa “Tí Chổi” từ sách lên phim không đấy?

- Tôi nghĩ “Tí Chổi” có nguồn chất liệu để có thể làm phim nhưng cũng không dễ, tôi đang quan tâm việc này. Mình không làm được thì… hy vọng chính nhân vật Tí Chổi sau này sẽ biến giấc mơ của nó thành hiện thực (cười).

- Chị thì sao, có thấy mình bớt “viết và cảm thụ bằng nỗi buồn” như nhận xét của Tí Chổi về mẹ trong truyện không?

- Tôi thích chơi với trẻ em và chiều chuộng chúng. Các cháu có thể đến nhà và tôi bày vẽ ăn uống, sách báo đủ thứ và tình nguyện làm người phục vụ. Ấy thế nhưng tôi lại giỏi... bảo thủ nên hình như cũng không bớt buồn được là bao. “Hạ cánh” xuống với các con rồi chả hiểu điều gì quyến rũ lại nhanh chóng bay lên với… mây trắng, và “Mây trắng” cũng là tên tập thơ thứ hai của tôi sắp được in. Vẫn cứ là “viết và cảm thụ cuộc sống bằng nỗi buồn”, nhưng nỗi buồn có vẻ đẹp của nó, sống trong cuộc đời này mà không biết buồn thì tẻ nhạt quá nhỉ?

- Nghe đâu chị đã viết xong cả Tí Chổi 3 và sẽ ra mắt trong một ngày không xa?

- Đúng là tôi đã viết xong rồi và đang mong chờ đến ngày Tí Chổi 3 “ra lò”. Hy vọng mỗi năm một lần, Tí Chổi sẽ “đến hẹn lại lên” để tái ngộ cùng độc giả!

- PV: Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công!