Bị cáo thừa nhận 2 phi vụ cưỡng đoạt
13 giờ 30 phút, ông Phan Hà Bình tươi cười khi bước xuống xe đặc chủng của cảnh sát tại sân của TAND TP.HCM. Nhiều đồng nghiệp của Phan Hà Bình, lạ có, quen có tranh nhau tác nghiệp. Người mẹ già và những người thân, trong đó có vợ ông Bình tranh thủ tiếp xúc với ông giây phút ngắn ngủi trước khi ông bước vào pháp đình.
Ông Phan Hà Bình cười khi ra tòa
Trong phần xét hỏi của HĐXX, ông Bình trả lời khá rành mạch về lý lịch và quá trình phạm tội. Ông Bình thừa nhận đã thực hiện 2 vụ phi vụ vòi tiền doanh nghiệp trong việc lợi dụng nghề báo của mình.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM cáo buộc và những lời khai khá rành mạch của bị cáo Phan Hà Bình trước tòa thì trong giai đoạn tháng 9/2010 khi thu thập thông tin về việc thực hiện các dự án kinh tế trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn ông Bình biết được tình hình khó khăn của đơn vị này liên quan đến các dự án. Do đó ông Bình tìm đến trụ sở của tập đoàn để gặp người đại diện là bà Nguyễn Cẩm Phương (là giám đốc phụ trách truyền thông của Tập đoàn, trưởng đại diện công ty Cổ phần Đầu tư Xi măng Sài Gòn – Tân Kỳ tại TP.HCM) để hăm dọa chung chi tiền bạc, nếu không ông Bình sẽ cho đăng bài trên báo Tiền Phong gây bất lợi cho doanh nghiệp. Thế nhưng lúc này bà Phương từ chối.
Sau đó trong tháng 9 và tháng 10/2010, trên báo Tiền Phong xuất hiện 1 số bài viết như: “SGT và KGB – dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột”, bài “cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội”, bài “cách nào kiểm soát cổ phiếu bất thường”… Những bài báo này có nội dung phản ánh những khó khăn của công ty Cổ phần Đầu tư Xi măng Sài Gòn – Tân Kỳ, công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn là thành viên thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Ông Bình đã thừa nhận, trong 3 bài có 1 bài khi ông là phóng viên, và 2 bài khi ông đã được ban biên tập báo Tiền Phong bổ nhiệm làm phó tổng thư ký tòa soạn.
Bị cáo Phan Hà Bình trước vành móng ngựa, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội
Sau khi các bài báo đã đăng, ông Bình có đến gặp bà Phương đặt vấn đề tiền bạc. Cụ thể ông Bình yêu cầu bà Phương đưa 200 triệu đồng sẽ dừng các bài viết gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, nếu đưa thêm 3.000 USD thì ông Bình sẽ viết bài lấy lại uy tín. Bà Phương báo cáo vụ việc lên ông Trần Hữu Hồng Tường – Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư Xi măng Sài Gòn – Tân Kỳ. Ông Phương giao cho bà Phương tự quyền quyết định. Bà Phương đã trao đổi với ông Phan Hà Bình, đồng ý việc giao tiền; đồng thời bà Phương trình báo vụ việc lên Cục An ninh – Tài chính – Tiền tệ thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an phía Nam. Theo hẹn, 20h đêm 13/10/2010 bà Phương gặp ông Phan Hà Bình tại một phòng ăn Vip của nhà hàng Nhật Hạ nàm trên đường Võ Văn Tần để ăn uống và chung chi tiền bạc. Khi bà Phương gói 220 triệu đồng trong một hộp xốp, bỏ vào bịch ni-long trao cho ông Bình thì bị lực lượng của cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ập vào bắt quả tang.
Ngoài ra trong quá trình điều tra, ông Bình thừa nhận có hành vi vi phạm pháp luật khác là chiếm đoạt 1.000 USD của công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Lương Tài (trụ sở tại quận 1). Cụ thể trong giai đoạn tháng 3/2009 từ bản cáo bạch có nhiều điểm chưa chính xác, ông Bình gọi điện trực tiếp đến doanh nghiệp trên đề nghị làm việc. Sau 2 lần gặp gỡ ông Bùi Đình Hưng – Chủ tịch HĐQT công ty, ông Bình đã nhận 1.000 USD để sau đó không viết báo gây bất lợi cho doanh nghiệp này.
Xin đồng nghiệp rút ra bài học kinh nghiệm quý báu
Trong phiên tòa chiều 25/8, ông Bình thừa nhận trong các bài viết ông và 1 đồng nghiệp khác có đưa nhận định chủ quan vào nhằm mục đích hạ bệ uy tín doanh nghiệp, vòi vĩnh tiền bạc để lấy chi tiêu cá nhân. Ông Bình cũng thừa nhận là có đe dọa, uy hiếp bà Nguyễn Cẩm Phương cũng như ông Bùi Đình Hưng để đạt được mục đích của mình.
Phan Hà Bình gặp lại các đồng nghiệp, lạ có, quen có đang tranh thủ tác nghiệp khi ông hầu tòa
Ông Bình khai báo trước tòa là trước mỗi phi vụ tống tiền ông có nhiều ngày để suy nghĩ. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Trung Ngôn có thẩm vấn là ngoài 2 phi vụ nói trên bị cáo Phan Hà Bình còn nhận tiền bạc của ai nữa không? Thì ông Bình xác nhận là không, nếu có chỉ là những quà cáp của nhiều cá nhân, dơn vị doanh nghiệp tặng ông trong các dịp lễ tết. Ông Bình khai báo, ông cũng như gia đình ông không mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi vì ông đã xác định rõ hành vi phạm tội của mình cũng như điều kiện kinh tế gia đình hiện không khá giả gì mấy. Được biết trong phiên tòa xét xử cựu nhà báo này, phía Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn đã ủy quyền cho luật sư Nguyễn Thái Hòa để bảo vệ quyền lợi, tuy nhiên người đại diện này chỉ mong muốn cơ quan chức năng sau khi xét xử vụ án hoàn trả 220 triệu đồng (là tiền tang vật của vụ án) cho doanh nghiệp này.
Đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Phan Hà Bình là gây nguy hiểm cho xã hội. Dưới ngòi bút của mình, doanh nghiệp tốt hay xấu đều do ông có thể “đạo diễn” được, và mục đích để trục lợi cá nhân, vòi vĩnh tiền bạc của doanh nghiệp. Do đó đại diện Viện KSND đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình mức án nghiêm khắc từ 9 – 10 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” để làm gương.
Cũng như tiến trình suốt nhiều giờ xét xử, ở lời nói sau cùng, ông Bình thừa nhận những việc làm của mình là sai trái, nay tỏ ra rất ăn năn hối hận và sau khi bị bắt giữ, ông đã tự nguyện xin gia đình khắc phục hậu quả do mình gây ra. Bị cáo Bình trước tòa xác nhận, “Tôi cám ơn cơ quan công an đã đối xử tốt với tôi trong thời gian tạm giam… qua phiên tòa cho tôi gửi lời xin lỗi đến nhà nước, lãnh đạo báo Tiền Phong, các bị hại… và xin các đồng nghiệp qua vụ án của tôi mà rút ra bài học kinh nghiệm quý báu”. Cuối cùng ông Bình xin HĐXX xem xét tuyên phạt ông một mức án nhẹ để ông sớm trở về được lao động phụ giúp gia đình, nuôi vợ và 2 con, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Sau khi nghị án xem xét thấu đáo các tình tiết, HĐXX thuộc TAND TP.HCM đã quyết định tuyên mức án 7 năm tù đối với bi cáo Phan Hà Bình về tội danh như nói trên. Ông Bình rời pháp đình trước nhiều đồng nghiệp, lạ có, quen có, đang tranh thủ giương ống kính vào ông để tác nghiệp nghề báo.