Nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp, cung cấp đủ than cho sản xuất điện.
Nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện

Nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện

Tại văn bản số 1225/BCT-DKT về việc “đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện” vừa được Bộ Công Thương phát đi, Bộ này yêu cầu Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu).

“Trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.

Theo Bộ Công Thương, một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than trước đó đã có báo cáo gửi đến Bộ về việc TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký.

Số liệu đã được báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, tổng khối lượng than thực cấp của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN trong 2 tháng qua chỉ tương đương 69,24% khối lượng hợp đồng đã ký, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này.

Điển hình, nhà máy Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng cung cấp than đã ký từ cuối năm 2013, có thể dẫn tới nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

Trong khi đó, thông tin từ TKV cho biết, sản lượng than sụt giảm là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lao động trong ngành bị lây nhiễm, số lượng lao động giảm.

Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng khiến chi phí vận tải than tăng mạnh, khiến khối lượng than lưu thông giảm, giá than cũng tăng phi mã.