Nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh khi điều trị ung thư

ANTĐ -Theo một nghiên cứu mới đây thì những bệnh nhân ung thư trẻ tuổi phải xạ trị và hóa trị có vẻ không tăng nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh.

Một số bác sỹ lo ngại rằng liệu pháp xạ trị và các thuốc hóa trị - đặc biệt là xạ trị gần khu vực buồng trứng hoặc tinh hoàn – có thể ảnh hưởng lâu dài đến trứng và ADN của tế bào tinh trùng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã giúp giải tỏa những nỗi quan ngại này.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ đã theo dõi gần 2800 bệnh nhân sống sót sau ung thư hồi bé ở Mỹ và Canada và thường xuyên khảo sát khi họ trưởng thành bằng những câu hỏi liên quan tới thai nghén và sinh nở.

Lisa Signorello và các đồng nghiệp ở Viện dịch tễ quốc tế tại Rockville, Maryland đã ghi lại tất cả các trường hợp con bị dị tật bẩm sinh và so sánh khả năng có con bị dị tật bẩm sinh với liều xạ trị hoặc hóa trị mà bệnh nhân ung thư được điều trị.

Trong số 4700 đứa con của những bệnh nhân ung thư sống sót ít nhất 5 năm sau khi kết thúc điều trị, 129 trẻ (chưa tới 3%) bị ít nhất 1 dị tật bẩm sinh như là sứt môi và hở hàm ếch, hội chứng Down và các dị tật về mạch máu và tim.

Trẻ được sinh ra từ bố mẹ phải điều trị xạ trị quanh tinh hoàn hoặc buồng trứng hay dùng các thuốc hóa trị có tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh tương đương với những đứa trẻ có bố mẹ không bị ung thư.

Tỷ lệ sinh con mắc dị tật bẩm sinh là 3% ở những phụ nữ bị ung thư hồi nhỏ, được điều trị bằng xạ trị và hóa trị so với tỷ lệ là 3,5% ở những phụ nữ bị ung thư xong không được điều trị bằng 2 liệu pháp này. Tỷ lệ này tương ứng là 1,9% và 1,7% ở nam giới cũng bị ung thư được và không được điều trị bằng 2 liệu pháp trên.