Ngụy biện cho giá xăng dầu?

(ANTĐ) -  Với xu hướng giảm giá xăng dầu trên thế giới từ hơn một tháng qua, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước thừa nhận có lãi, có lúc lên tới 700-1.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, khác với sự kiên trì, thái độ “khổ sở” khi than lỗ, khẩn thiết đề nghị liên Bộ Tài chính, Công Thương cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu lúc giá xăng trên thế giới nhích lên thì khi cần giảm giá, đại diện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại thờ ơ.

Ảnh minh hoạ

Trước áp lực của dư luận, có lúc, doanh nghiệp đầu mối đề nghị cho tăng thuế nhập khẩu, trích Quỹ bình ổn để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước - nguồn thu này vốn bị bỏ ngỏ để cứu lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu lúc giá tăng. Khi thì doanh nghiệp lập luận, cần duy trì giá bán để bù đắp cho khoản lỗ trước; lúc lại kể lể đã tăng chiết khấu hoa hồng cho đại lý; hoặc so sánh giá bán trong nước với các nước lân cận để thấy giá xăng ở Việt Nam vẫn thấp, dù chi phí cho việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối mặt hàng này là khác nhau, thu nhập của người dân cũng khác nhau…

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang vừa đề xuất Bộ Công Thương cần có quy định về mức chiết khấu hoa hồng cố định cho các đại lý đối với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Bởi lẽ lúc giá lên cao, đại lý bị giảm chiết khấu dẫn đến tình trạng cửa hàng xăng dầu bán hàng nhỏ giọt. Ngược lại, khi giá xăng giảm, mức trích cho đại lý tăng, người tiêu dùng bị thiệt. Điều này cũng làm rõ hơn một thực tế, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu luôn đẩy thiệt hại sang cho người khác, là đại lý, hoặc người tiêu dùng!

Ngày 10-7, báo chí công bố thông tin, đại diện Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp đang chỉ lãi hơn 200 đồng/lít xăng, lãi rất ít với dầu diezel, dầu hỏa và lỗ với mặt hàng dầu mazut. Giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng. Khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày càng mong manh hơn! Vị đại diện này còn bày tỏ quan điểm, đề xuất kiểm toán các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối là hợp lý nhưng “cơ bản là do chưa hiểu hết cơ chế quản lý hiện nay”. Doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngụy biện khiến dư luận băn khoăn vì nếu thực hiện giá xăng dầu minh bạch, thì sau kiểm toán, doanh nghiệp sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân, nâng cao uy tín. Ngược lại, người dân vẫn hoài nghi và chịu thiệt thòi.