Giá các sản phẩm tại Việt Nam đang quá cao do chi phí lớn cho bao bì, quảng cáo cũng như chi phí phân phối
Phải mua hàng với giá quá cao
Nhìn nhận về hành vi của người tiêu dùng Việt Nam, với góc nhìn thực tế của một doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Sơn- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Việt Nam (Vietfoods) cho biết: “Sản phẩm muốn thu hút người tiêu dùng Việt Nam thì doanh nghiệp phải dành chi phí cho mẫu mã rất lớn. Nhiều người bỏ tiền 'mua' bao bì nước ngoài chứ không phải mua sản phẩm quốc nội”.
Tâm lý sính hàng ngoại, chỉ tin vào các mặt hàng giá đắt mới có chất lượng cao khiến cho người tiêu dùng tự đưa mình vào thế phải mua đắt hơn giá trị thực của sản phẩm.
“Vừa rồi chúng tôi làm việc với một doanh nghiệp nước ngoài, giá dầu ăn của họ nhập về Việt Nam, dù là chất lượng cao, cũng chỉ hơn hơn 20.000 đồng/lít.Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua dầu ăn với mức giá lên đến 45.000 đồng/lít”- ông Sơn thông tin- "thậm chí nhân viên bán hàng đến cửa hàng chào dầu đậu nành với giá 39.000 đồng/lít thì chủ cửa hàng không mua, họ bảo giá đó chỉ có... dầu giả".
Ngoài ra chi phí lưu thông để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng hiện vẫn quá lớn. Vị tổng giám đốc tính toán: “Để làm ra một đơn vị hàng hóa, chi phí lưu thông của nhiều doanh nghiệp lên tới 60%. Như vậy, từ giá sản phẩm cộng thêm 60% mới ra giá bán tới các cửa hàng, đại lý. Từ các cửa hàng, đại lý lại cộng thêm vào giá 20% nữa, mới tới tay người tiêu dùng".
Làm gì để thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại
Theo PGS. TS Trương Đình Chiến – Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thì: "Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn sâu nặng trong một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao và khá cao".
Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng khiến các doanh nghiệp dù là hàng Việt Nam có giá bán và chất lượng tốt nhưng phải “lập lờ” bằng cách gắn thương hiệu mang tên nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng muốn sử dụng hàng nội gặp khó khăn để nhận biết và ưu tiên mua các sản phẩm Việt Nam.
Để từng bước thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu hành vi mua hàng nội và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua hàng nội để làm cơ sở hoạch định chính sách cho các doanh nghiệp kinh doanh và quản lý nhà nước.
PGS. TS Trương Đình Chiến khuyến nghị: "Các nhà kinh doanh Việt Nam cần hiều biết đầy đủ về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua hàng nội của dân cư thành thị để phát triển và thực hiện các chiến lược, chương trình marketing hiệu quả nhằm chiếm lĩnh thị trường. Còn các nhà làm chính sách hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó có những chính sách quản lý và các chương trình vận động ưu tiên dùng hàng nội phù hợp".