Người tốt vía

ANTĐ - Bấy lâu nay cùng sống trong chung cư này vẫn còn có người tin vào chuyện “vía”. Ví như chuyện ra ngõ gặp phải “vía” ai. Nên có bà, có chị khi ra khỏi cửa đều giữ ý. Thoáng thấy ai là người kỹ tính, khó tính, tin chuyện vong vía thì vội dừng chân hoặc né tránh để khỏi sinh chuyện ỉ ôi mất lòng nhau.

Thế mà từ dạo cô Na từ quê ra sống với chồng thì cái tục “vía” đã lật trang. Số là đã sắp vào tuổi “băm” mà chưa có con nên anh Tuyển, chồng cô - một kỹ sư thủy lợi đã xin việc cho vợ ở thành phố cho tiện việc sinh nở. Thoạt nhập cư, cô gái nông thôn đậm dáng, ít nói nhưng mau miệng chào, cởi mở, thực thà. Cô quý trẻ con và khéo dỗ dành chúng như một cô mẫu giáo. Một lần, bác giáo viên ở căn hộ cách bên cùng tầng thấy cô quét cửa đã quét cả đoạn hành lang các căn hộ khác mới nói: Cô không cần phải quét hết thế đâu”. Thì cô cười: “Mấy nhát chổi, có đáng là bao đâu, thầy”. Cô gọi bác giáo là thầy. Đâu chừng vài tháng, có ai đấy bỗng khen: “Cô ấy thế mà tốt vía”. Vía cô nặng nhẹ ra sao, chẳng biết. Song ai đã tiếp xúc, đi lên đi xuống, ra vào gặp cô đều cảm thấy nhẹ nhõm, vui lòng. Cô luôn chào trước và hay dùng tới từ “vô phép”. Ngay cả bác thầy giáo cũng gật gù: “Cô ấy mát tính, đôn hậu…”. Quả là không ai sợ “vía” cô.

Bữa ấy bác giáo ra ngõ gặp cô. Có hai việc hỏng cả hai. Một nơi người cần gặp bị ốm. Nơi kia vì mất điện chưa xong. Lúc về lại bị mưa. Tới nhà lại gặp cô. Cô xuýt xoa: “Khổ… có được việc không thầy?...”. Thầy giáo nghĩ bụng: “Việc của mình thì mình biết. Ai mà biết được”. Rồi thầy cười: “Mưa là việc của trời. Còn công việc của mình thì vẫn nắng cô ạ”. Hôm sau thầy giáo nói lời vui với ông bạn hàng xóm: “Cô Na ấy đúng là Na đã được tuyển chọn”… Chẳng là chung cư ai cũng gọi cô là Na Tuyển vì cô không có tên đệm là Thanh, là Ngọc hay là Quỳnh gì hết!

Nghĩ mà vui: vía như vía cô Na, còn hiền thì hiền như là bác giáo ấy.