Người Mông vui ngày hội non sông

ANTĐ - Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ ngày 29-8 đến 2-9 nhưng đông vui nhất là ngày 1-9. Sắc cờ đỏ thắm kỷ niệm ngày Tết Độc lập 2-9 hòa cùng nét độc đáo từ trang phục của các chàng trai cô gái đã dệt nên bức tranh ngày tết rực rỡ sắc màu.

Muốn hòa mình vào không khí Tết Độc lập trên cao nguyên Mộc Châu, du khách chỉ mất vài giờ đồng hồ để vượt qua quãng đường 180km. Đường lên Mộc Châu từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 đẹp như dải lụa, vắt qua trùng điệp núi rừng Tây Bắc. Đổ đèo Da Dí, qua ngã ba Mai Châu rồi cứ tiếp tục xuôi theo Quốc lộ 6 chừng 60km đường đèo mềm mại uốn quanh lưng núi là du khách sẽ đến với Mộc Châu, đến với vùng đất đẹp nhất của cao nguyên Tây Bắc “thanh sơn bích thủy”. 

Tết Độc lập ra đời từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2-9-1945), người Mông rất trân trọng và coi đó là Tết Độc lập của dân tộc. Hàng năm, đến hẹn lại lên, đúng dịp 2-9, tất cả người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo từ các bản gần xa trong huyện lại nô nức rủ nhau xuống thị trấn để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng. Các cụ già người Mông ở bản Lóng Luông, huyện Mộc Châu kể lại rằng: “Từ khoảng cuối những năm 50 thế kỷ trước, vào những ngày này, thị trấn Mộc Châu treo nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh. Thanh niên ở các núi xuống thị trấn chơi, thổi khèn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Chính vì vậy mà Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng. Khắp nơi trong thị trấn hôm đó đều đỏ rực màu cờ, đẹp lắm. Ngồi dưới cái cờ đỏ cũng như ngồi dưới bàn thờ ngày Tết nhà mình có dán giấy đỏ. Không bảo nhưng ai cũng biết là phải tuyệt đối không được làm điều gì xấu, dễ mất bạn”.

Cũng bởi trong phong tục kết bạn của người Mông, khi đã gặp nhau bên mâm cơm, dù bản làng xa cách bao nhiêu vẫn kết bạn, kết nghĩa anh em, kết duyên trai gái. Chính vì vậy mà theo thời gian, tết mỗi năm lại đông hơn năm trước. Người Mông ở khắp các bản xa, bản gần đều tụ về thị trấn Mộc Châu vui Tết Độc lập. Dần dần, Tết Độc lập ở Mộc Châu trở thành tết chung của đồng bào các dân tộc vùng cao, các dân tộc anh em như Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các bản lân cận cũng kéo về, thậm chí cả người dân ở các vùng biên giới bên nước bạn Lào cũng về vui với Tết Độc lập của người Mông ở Mộc Châu.

Đêm 1, rạng 2-9 dương lịch hằng năm cũng là phiên chợ tình duy nhất trong năm của người Mông tại Mộc Châu. Chiều tối ở phiên chợ tình thật đẹp, đẹp vì trang phục của người Mông: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (xanh)... Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau rực rỡ đổ về phiên chợ. Tất cả cùng vui vẻ giao lưu, ăn uống...