Người mẫu Thúy Hạnh

Người mẫu không phải chỉ có… chân dài

ANTĐ - Hiện nay Thúy Hạnh không còn là một người mẫu sải bước trên sàn catwalk nữa mà đã lui về hậu trường làm công tác quản lý, đào tạo và huấn luyện các người mẫu trẻ. Khác với người chị song sinh Thúy Hằng của mình, vợ nhạc sỹ Minh Khang - Thúy Hạnh còn tất bật với công việc MC, làm giám khảo… Cùng trò chuyện với Thúy Hạnh - một trong những người mẫu thế hệ đầu của làng thời trang về giới người mẫu…

- Là một người có kinh nghiệm trong nghề người mẫu, chị muốn chia sẻ điều gì với các bạn gái trẻ đang muốn bước chân vào nghề người mẫu?

- Chắc chắn là có rất nhiều! Để đến với nghề người mẫu bây giờ điều đầu tiên tôi nghĩ chúng ta phải xác định được đến với nghề vì cái gì? Đơn giản chỉ vì sở thích hay thật sự là đam mê. Bạn biết không, nghề người mẫu trôi qua rất nhanh, nếu chỉ đến bằng sự yêu thích, hay ừ tôi thích thì thử cho vui thì đương nhiên nó sẽ không nằm trong trái tim của bạn. Hiện nay có rất nhiều bạn gái trẻ coi nghề người mẫu như một công việc thoáng qua dẫn đến tình trạng có rất nhiều người mẫu chỉ đến với nghề và lợi dụng tên tuổi trong nghề để làm việc khác, đây là một thực tế đáng buồn. Phải thật sự đam mê với nghề, dành hết trái tim của mình cho công việc thì các bạn mới có thể sáng tạo được, một ngày nào đó mới có được chỗ đứng nhất định trong showbiz. 

- Hiện nay dư luận dường như bị mặc định rằng đi kèm với nghề người mẫu là rất nhiều thị phi?

- Đâu chỉ nghề người mẫu mà giới showbiz rất nhiều thị phi. Mà cũng chẳng riêng giới showbiz mà bất kỳ nghề nghiệp nào trong cuộc sống này cũng có thị phi hết, nhưng mỗi nghề sự thị phi lại có những cái khác nhau. Vì sao giới showbiz nói chung và nghề người mẫu nói tiếng sự thị phi lại được công chúng để ý đến vậy bởi vì nó là “ngành công nghiệp văn hóa”, hàng ngày được mọi người quan tâm, theo dõi. 

- Vậy chị nghĩ như thế nào về cụm từ “Chân dài và đại gia”?

-Từ trước đến nay, người mẫu thường được gắn liền với cụm từ “chân dài với đại gia” - đây là một thực tế khiến mọi người nghĩ sai về nghề người mẫu mà không nghĩ đến những gì mà người mẫu cống hiến. Tôi tin rằng khán giả rất công tâm, họ sẽ nhìn thấu đâu là việc đúng, việc sai; trong nghề người mẫu hay showbiz cũng có những người làm việc chân chính. Tôi tin khán giả cũng đồng ý với quan điểm này của tôi, và quý vị hãy thật sáng suốt khi nhìn nhận người nghệ sỹ, người mẫu nào sống chân chính với nghề và họ cũng đáng trân trọng. 

- Để trở thành người mẫu bây giờ có vẻ dễ dàng hơn thời của chị khi chỉ cần… chân dài và để nổi tiếng thì chỉ cần scandal? 

- Tôi đã từng nói bây giờ ra ngoài không thể đếm được có bao nhiêu người mẫu vì họ nhiều quá, họ giống như cái mặc định cứ đẹp và chân dài một chút là trở thành người mẫu. Tôi muốn nói rằng, ngoài vẻ đẹp hình thể thì để trở thành người mẫu là cả sự khổ luyện và đương nhiên là phải có kiến thức về nghề. Người mẫu không đơn thuần chỉ có đôi chân dài sải bước trên sàn catwalk một cách vô hồn mà phải hiểu được mình bước lên sàn để làm gì. Hơn thế, người mẫu còn có rất nhiều việc như làm người mẫu ảnh, mẫu quảng cáo, mẫu giới thiệu sản phẩm. Chính vì vậy nghề người mẫu rất là rộng, mọi người nên nhìn nhận lại rằng người mẫu không phải chỉ dành cho các cô gái trẻ; ở nước ngoài có những người 70, 80 tuổi họ vẫn làm người mẫu… Các bạn trẻ giới người mẫu bây giờ cũng có nhiều người chọn cách đi bằng con đường ngắn, nghĩa là họ không chịu lao động chân chính bởi nếu vậy sẽ mất rất nhiều năm để có thể chứng minh được tài năng, thực lực của mình; trong khi đó chỉ cần một bộ ảnh “hot”, gợi cảm, những câu nói sốc hay một scandal thì chỉ sau một bài báo sẽ nổi tiếng ngay, đây là một con đường rất ngắn. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, khán giả rất công tâm, họ biết được nghệ sỹ nào sống chân chính bằng nghề, thực lực và những nghệ sỹ nào nào sống bằng scandal. 

- Một lý lẽ đưa ra rằng tại vì tuổi nghề ngắn quá nên chẳng dại gì mà đi con đường dài?

 - Tính ra hơn 20 năm đối với một công việc cũng không hẳn là ngắn nếu người mẫu đấy làm việc chân chính, làm việc bằng đúng khả năng thực lực của họ và được mọi người công nhận như Xuân Lan, Anh Thư… 

- Người mẫu có phải là một nghề bẩm sinh không vậy chị?

- Không đúng! Chỉ có thể bẩm sinh ở chiều cao mà thôi. Có những người mẫu có thể nói rằng “vịt hóa thiên nga”, họ rất bình thường và không ai nghĩ họ là người mẫu cả, nhưng sau những khóa đào tạo, huấn luyện họ đã biết cách làm đẹp hơn. Nghề người mẫu không phải là một con búp bê nên cũng không cần phải xinh một cách bẩm sinh mà người mẫu sẽ biến hóa với những trang phục của nhà thiết kế, biến hóa với những kiểu trang điểm, làm tóc và sẽ trở thành những “con thiên nga” sau những lần họ được hóa trang như vậy.

- Thu nhập của nghề người mẫu có đúng với những gì họ kể trên mặt báo không?  

- Trong giới showbiz, thu nhập từ nghề người mẫu cũng bình thường, vừa phải, không cao. Nếu mà nói nghề có thu nhập cao nhất trong giới showbiz bây giờ là ca sỹ, còn nghề người mẫu chỉ cao hơn diễn viên kịch nói, diễn viên xiếc… mà thôi. Chính vì thế mà các bạn vừa muốn bằng chị bằng em, muốn dùng đồ hiệu nhưng lại không muốn lao động, muốn sống dựa vào người khác mới dẫn đến chuyện đi làm những chuyện không đáng làm, hay mới phát sinh ra chuyện đi cặp với đại gia, sống dựa dẫm vào người khác. Đây là con số rất nhỏ mà tôi nghĩ rằng không thể nhìn vào đấy để đánh đồng người mẫu. 

- Bây giờ sự khổ luyện không thật sự cần thiết bởi công nghệ lăng xê đã làm thay rất nhiều rồi?

- Vẫn phải song hành cả hai. Chúng ta không thể phủ nhận được công nghệ lăng xê vì nó giúp cho người nghệ sỹ không thật sự có tài phát triển được nghề nghiệp. Nhưng thực thế diễn catwalk, họ phải bước bằng chính đôi chân của mình, họ phải diễn biểu cảm bằng chính khuôn mặt mình vì nghề người mẫu là nghề không nói ra lời.  Thực tế vẫn phải có khổ luyện, có bản năng rõ ràng và có kiến thức vì một người mẫu khi làm việc với các nhà thiết kế phải hiểu rằng họ cần gì ở mình, kiến thức về bộ trang phục này theo mùa gì, năm nay xu hướng như thế nào… - đó là những kiếm thức cơ bản về thời trang chứ không thể nói nghề người mẫu không cần kiến thức là không đúng. 

- Làm thế nào để một người mẫu có thể đi lên bằng tài năng, bằng đôi chân của mình được xã hội công nhận? 

- Nếu thật sự người mẫu có năng lực thì sẽ được giới chuyên môn công nhận và sẽ nhận được rất nhiều lời mời mà không cần qua công nghệ lăng xê nào cả.  

- Trong giới người mẫu thực tế còn có chuyện tranh giành vị trí vedete nhưng một sự khẳng định “thương hiệu” cá nhân?

- Vedete có 2 vị trí đầu tiên và cuối cùng, với tôi không quan trọng vị trí đầu tiên hay cuối cùng mà người nào đi ra sân khấu và nhận được tràng pháo tay nhiều nhất vì thần thái và sự thể hiện của họ. Cho dù có đi đầu tiên hay cuối cùng mà không gây được sức hút, sự tán đồng của khán giả thì cũng vô nghĩa. Hiện nay ở Việt Nam khán giả chúng ta hay đi xem người mẫu nhiều hơn đi xem trang phục. Nếu khán giả thay đổi nhìn nhận rằng đi xem thời trang là xem trang phục chứ không phải xem người mẫu thì sẽ không còn tình trạng tranh nhau vị trí vedete nữa. Và chính người mẫu cũng bị ngấm tư duy trình diễn bản thân mình mà quên mất là phải trình diễn bộ trang phục đấy như thế nào. 

- Nếu so sánh người mẫu Việt với các người mẫu nước ngoài thì chị thấy cần phải nói gì?

- Có da có thịt hơn một chút. (Cười) Cũng từ tư duy sẽ trình diễn bản thân mình nhiều hơn là diễn trang phục nên các người mẫu Việt Nam thích phải có vòng một nở, phải có da có thịt thì khi mặc đồ lên mới thấy được sự gợi cảm. Người mẫu nước ngoài họ không quan trọng điều đó, hình thể chỉ quan trọng trong một show thời trang diễn đồ lót, còn đối với các trang phục cho các show thời trang khác thì không cần thiết phải có một cái thân hình quá nóng bỏng. Thực tế người mẫu Việt Nam cũng có hướng đi bắt kịp với thế giới rất nhanh, nhưng chỉ bắt kịp về hình thức thôi, còn về bản chất, suy nghĩ trong đầu thì còn thua xa. 

- Những người mẫu thế hệ đầu tiên như chị đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng, thay đổi tư duy cho lớp người mẫu trẻ bây giờ đấy chứ? 

- Chúng tôi không thể đại diện cho tất cả người mẫu mà nói rằng phải có trách nhiệm để hướng công chúng đến một thế giới người mẫu giống như nước ngoài được. Nếu muốn làm thì một tay cũng không thể ôm cả bầu trời được mà phải cả một cộng đồng, rất là nhiều bàn tay đặt vào, từ người mẫu, từ các nhà thiết kế, từ những người làm chuyên môn và từ khán giả họ cùng nhìn vào cùng một mục đích thì mới có thể thay đổi được.

- Chúc chị hạnh phúc, thành công. Cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục