Người làm luật vì người nghèo

(ANTĐ) - Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) có hiệu lực từ ngày 1-1-2007. Kể từ thời điểm này, hàng triệu người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa… đã có cơ hội được “xóa đói, giảm nghèo” về luật pháp, có thêm điểm tựa mỗi khi có vướng mắc pháp luật.

Tìm đến văn phòng của Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) khi Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý mới trở về sau chuyến công tác dài ngày. Trên bàn ngập những công văn và đơn thư từ các nơi gửi về. Chiếc điện thoại bàn đôi lúc lại reo lên khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng. Đó là những cuộc gọi của người dân hoàn cảnh khó khăn cần TGPL. Bà Lý giải thích: Từ khi Luật TGPL có hiệu lực và hệ thống Trung tâm TGPL ở các tỉnh, thành được hình thành, đi vào hoạt động, phần lớn các vụ việc đã được đội ngũ luật sư cộng tác và trợ giúp viên pháp lý ở địa phương hỗ trợ, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới cần tư vấn ở văn phòng Cục. “Bản thân tôi giờ làm công tác quản lý, không trực tiếp tư vấn nữa nhưng vẫn thường xuyên nhận được điện thoại của những người cần trợ giúp. Có những người vẫn đến đây và đòi gặp bằng được Cục trưởng. Lúc đó thì mình vẫn phải giúp họ thôi, vì người đã làm công tác trợ giúp pháp lý, ngay ở các địa phương cũng vậy, đều làm với tinh thần nghĩa hiệp, vì người yếu thế. Cái đó rất quý trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay”.

Theo thống kê của Cục TGPL, tính đến hết tháng 6-2011, cả nước đã có 1.447.341 vụ việc được TGPL. Đã có 64 Trung tâm TGPL ở các tỉnh, thành và gần 1.000 chi nhánh đi vào hoạt động hiệu quả. Luật TGPL ra đời đã được đánh giá cao và có sức ảnh hưởng lớn đến các cơ quan thực thi pháp luật. Trước đó, công tác TGPL đã gặp không ít khó khăn, tỷ lệ người được tiếp cận hạn chế.

Nguyên nhân chính khiến hiệu quả TGPL bị hạn chế là do công tác phổ biến, tuyên truyền chưa sâu rộng, chế độ đãi ngộ không xứng đáng. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho những đối tượng này được bàn đi tính lại nhiều lần song chưa được cải thiện nhiều. Do đó, nhiều địa phương vùng cao, miền núi rất khó thu hút và duy trì nguồn nhân lực có chất lượng cao, bởi cùng một nghề nhưng luật sư hành nghề tư có mức thu nhập dồi dào hơn nhiều lần. Một nguyên nhân khác khiến hoạt động TGPL gặp khó khăn là thiếu sự phối hợp từ một số cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều khi cơ quan tố tụng còn làm khó bằng cách yêu cầu luật sư phải xuất trình giấy giới thiệu của văn phòng luật sư dù đã có quyết định của trung tâm TGPL cử tham gia tố tụng.

Bản thân người dân cũng chưa hiểu biết đầy đủ về công tác TGPL, họ băn khoăn không biết mình đến đó được miễn phí hay không. Hơn nữa, ở nhiều tỉnh miền núi thì địa điểm đến trung tâm còn xa người ta nghĩ không biết đi có được việc hay không; nhiều trường hợp trợ giúp không thành công do họ không giữ được các giấy tờ gốc hoặc chứng cứ liên quan… nên phần thua thiệt cũng rất nhiều.

Trước những khó khăn đó, bà Tạ Thị Minh Lý, với tư cách là người đi tiên phong đã không ngừng nỗ lực để Luật đi vào đời sống thiết thực nhất. Bà là thủ lĩnh trong nhóm sáng kiến, đồng thời là Trưởng ban vận động thành lập Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam. Khi chủ trương về công tác TGPL mới manh nha ở Việt Nam, với tư cách là Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý luật sư - tư vấn pháp luật, bà đã được phân công phụ trách Nhóm nghiên cứu thiết lập cơ chế tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Khi chủ trương này thành hiện thực, Cục TGPL được thành lập và bà trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực này.

Sau nhiều năm vận động, thuyết trình và cả giải trình, Pháp lệnh TGPL đã thành Luật, nhiều văn bản dưới Luật đã ra đời giúp các cơ quan tố tụng nhìn nhận đúng đắn hơn về công tác TGPL. Đặc biệt Thông tư số 10/2007/TTLT về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã thay đổi cơ bản hiệu quả của hoạt động TGPL. Từ đây, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm TGPL các địa phương trong việc thông tin về đối tượng TGPL cũng như việc cử trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng được kịp thời… Bà Tạ Thị Minh Lý, với tư cách là người đi đầu trong lĩnh vực này vẫn đang không ngừng phấn đấu để Luật TGPL thực sự đi vào cuộc sống, với ý nghĩa như một “Luật để thực hiện tất cả các Luật khác”.