Người không lấy được vân tay vẫn được làm căn cước công dân gắn chíp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi làm công việc phụ hồ nặng nhọc nhiều năm nay nên dấu vân tay bị mờ gần hết. Nay tôi muốn đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp thì có được cấp thẻ không, thưa luật sư? Bùi Văn Hậu (Hà Nam)
Thu thập vân tay là bước quan trọng khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp (Ảnh minh họa)

Thu thập vân tay là bước quan trọng khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp (Ảnh minh họa)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân là một trong những bước quan trọng khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, Điều 22, Luật Căn cước công dân năm 2014 và Điều 12, Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định, cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (trường hợp công dân kê khai trực tuyến thì thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân. Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục, sau đó cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân.

Có thể nói, thu thập vân tay là bước cần có khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Với những cá nhân không lấy được vân tay, điểm d, khoản 1, Điều 12, Thông tư 07/2016/TT-BCA nêu rõ, cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ căn cước công dân theo quy định.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân sẽ thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay. Trường hợp ngón tay bị cụt, khoèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó. Ngoài ra, khoản 3, Điều 5, Thông tư 11/2016/TT-BCA nêu rõ quá trình thu nhận vân tay của công dân: Thu nhận vân tay chụm của 4 ngón bàn tay phải; vân tay chụm của 4 ngón bàn tay trái; vân tay của 2 ngón cái. Trường hợp nếu không thu nhận được đủ 10 vân tay của công dân thì mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

Như vậy, người không lấy được vân tay vẫn được làm căn cước công dân gắn chíp. Trong trường hợp này, cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân sẽ mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được vào vị trí tương ứng của ngón đó.