Người khiếm khuyết về giới tính được trở lại đúng danh phận

ANTĐ - Những người muốn chuyển đổi giới tính sẽ không còn phải ra nước ngoài để xác định lại giới tính của mình mà sẽ được phẫu thuật ngay tại các bệnh viện trong nước. Điều quan trọng hơn, họ sẽ được các bệnh viện này cấp “Giấy chứng nhận y tế cho người đã được xác định lại giới tính”. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để cho những người này chuyển đổi các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu… đúng với danh phận mới của mình một cách thuận lợi.

Việt Nam có 3 bệnh viện được phép chuyển đổi giới tính

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 6 tới đây sẽ có 3 bệnh viện được xem xét cho phép thực hiện việc can thiệp y học để xác định lại giới tính gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, sở dĩ 3 cơ sở y tế này được chọn là bởi có đủ những điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là về nhân lực (có ít nhất 1 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, 1 bác sĩ chuyên khoa ngoại, trình độ sau đại học hoặc có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị những khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác…). Ngay sau khi những bệnh viện này được Bộ Y tế cho phép, bất cứ ai, ở độ tuổi nào nếu có nhu cầu xác định lại giới tính đều có thể đến 1 trong 3 cơ sở này để thực hiện. 

Sở dĩ có thể coi sự kiện trên là một bước quan trọng trong việc công nhận về mặt pháp luật đối với những người có nhu cầu xác định lại giới tính là bởi trước đây mặc dù đã có hành lang pháp lý cho phép công dân có quyền xác định lại giới tính, song nó vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.

Điều 36 của Bộ luật Dân sự sửa đổi 2005 về Quyền xác định lại giới tính đã khẳng định cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Gần đây, Nghị định 88/2008/NĐ-CP ban hành ngày 5-8-2008 đã cụ thể hóa sự ghi nhận này bằng việc hướng dẫn đăng ký hộ tịch đối với những người đã xác định lại giới tính giúp những người đã xác định lại giới tính có thể đăng ký lại hộ tịch, làm các chuyển đổi trong giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu và các giấy tờ khác đúng với danh phận mới của mình. Sau đó họ hoàn toàn có thể kết hôn, sinh con và yêu cầu sự trợ giúp về sinh sản nếu có thể. Tuy nhiên những người có nhu cầu chưa thể xác định lại giới tính của mình là bởi sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực tại Việt Nam chưa có cơ khám chữa bệnh nào được cấp phép để xác định lại giới tính.

Chính vì sự triển khai chậm chễ này mà mới đây đã xảy ra câu chuyện bi hài về sự việc một người chuyển giới ở tỉnh Bình Phước đã được UBND huyện Chơn Thành “xé rào” ra quyết định công nhận rồi sau đó lại bị cấp cao hơn ra văn bản thu hồi quyết định. Anh Phạm Văn Hiệp (SN 1974) sang Thái Lan phẫu thuật để chuyển đổi giới tính và sau đó về địa phương thường trú xin chính quyền và cơ quan chức năng cho phép được chuyển đổi giới tính, cải chính hộ tịch, họ tên…

Ngày 5-11-2009, UBND huyện Chơn Thành đã ra quyết định cho phép Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm với lý do: có xác nhận của bệnh viện tỉnh, có đơn xin cải chính giới tính, có sự tham mưu của Phòng Tư pháp huyện. Tuy nhiên sau đó, ngày 21-2-2013, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn đề nghị Sở Tư pháp tỉnh tham mưu thu hồi và hủy bỏ quyết định xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp do UBND huyện Chơn Thành ban hành trước đó.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, các quyết định của UBND huyện Chơn Thành là trái luật do Phạm Văn Hiệp đã tự ý chuyển giới tại nước ngoài. Trong khi đó về quy trình, những người muốn thay đổi hộ tịch từ giới tính nam sang nữ hoặc ngược lại phải đi khám và điều trị tại những bệnh viện đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép mới được cấp giấy chứng nhận y tế để làm cơ sở cho UBND cấp huyện căn điều chỉnh lại hộ tịch cho họ.

Chỉ cho phép “xác định lại giới tính”, không cho phép “chuyển đổi giới tính”

Theo quy định, pháp luật của nước ta chỉ cho phép việc “xác định lại giới tính” chứ không cho phép “chuyển đổi giới tính”. Việc xác định lại giới tính của một người đã được quy định rõ trong điều 36 Bộ luật Dân sự trong trường hợp “giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính”. Nghị định 88/2008/NĐ-CP được ban hành sau đó đã cụ thể hóa 2 trường hợp được phẫu thuật xác định lại giới tính như sau: Thứ nhất khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Thứ 2 Giới tính chưa được định hình chính xác: là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính. 

Như vậy, có thể thấy việc “xác định lại giới tính” có mục đích là nhằm trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Nó khác với khái niệm “chuyển đổi giới tính” được hiểu theo nghĩa là thực hiện theo ý thích của con người, trái với quy luật của tạo hóa. Vì vậy trong nghị định này còn quy định rõ: “Nghiêm cấm chuyển đổi giới tính của những người đã hoàn thiện về giới tính”.

 Lý giải về điều này ông Nguyễn Huy Quang cho rằng: Nghị định chỉ quy định là xác định lại giới tính cho những người khuyết tật về giới hay chưa phân biệt được nam hay nữ. Còn với những người đã hoàn thiện về giới nhưng được coi là đồng tính về tâm lý thì không được xác định lại giới tính bởi nó liên quan đến vấn đề đạo đức. Mặt khác, việc pháp luật Việt Nam tuyệt đối nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính là nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển đổi giới tính phục vụ cho các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, băng hoại đạo đức hoặc vì các mục đích khác (trốn tránh trách nhiệm pháp lý, gian lận trong thể thao…). Ngoài ra, có những trường hợp có thể do mắc bệnh tâm lý nếu nhất thời muốn chuyển đổi và được y học can thiệp, nhưng sau một thời gian muốn trở về với giới tính ban đầu thì sẽ rất khó xử lý. 

Người đã chuyển đổi giới tính vẫn có thể được xem xét cấp giấy chứng nhận

Sau khi 3 bệnh viện được Bộ Y tế xem xét cho phép thực hiện việc can thiệp y học để xác định lại giới tính. Một vấn đề được đặt ra là những người đã ra nước ngoài để chuyển đổi giới tính liệu có được những cơ sở y tế này cấp “Giấy chứng nhận y tế cho người đã được xác định lại giới tính” để hoàn thiện những thủ tục nhằm công nhận giới tính và thay đổi những giấy tờ tùy thân cần thiết. Theo ông Nguyễn Huy Quang những trường hợp này tuy đã thực hiện chuyển đổi giới tính tại nước ngoài nhưng vẫn phải đến những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép để kiểm tra xem người đó đã “xác định lại giới tình”, hay “chuyển đổi giới tính”. Việc kiểm tra này nhằm xác định xem họ có nằm trong những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh về giới tính (nam lưỡng giới giả nữ, nữ lưỡng giới giả nam, lưỡng giới thật) hoặc giới tính chưa được định hình chính xác hay là chuyển đổi giới tính khi đã hoàn thiện về giới. Nếu thấy “hình thức” thống nhất với “nội dung” thì cơ sở y tế sẽ cấp giấy chứng nhận. 

Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận quan tâm là với những trường hợp đã chuyển đổi trước khi Nghị định 88 /2008/NĐ-CP có hiệu lực, nếu xét thấy “hình thức” và “nội dung” chưa thống nhất với nhau thì liệu có được xem xét để cấp giấy? Ngoài ra việc cấp Giấy chứng nhận y tế cho người đã được đã chuyển đổi giới tính tại nước ngoài, hoặc thực hiện “chui” trước khi Nghị định có hiệu lực phải được kiểm soát thế nào để đảm bảo sự chính xác, công bằng. Đây là những vấn đề mà cơ quan chức năng cũng cần phải đặt ra và xem xét một cách cụ thể.

Người khiếm khuyết về giới tính được trở lại đúng danh phận ảnh 2

Theo đề tài nghiên cứu “Người chuyển giới ở Việt Nam - những vấn đề thực tiễn và pháp lý” của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, trên thế giới và tại Việt Nam cứ 2000 đứa trẻ sinh ra thì ít nhất có 1 đứa trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Các khuyến tật này xuất phát từ đột biến hoặc khiếm khuyết gene chứ không phải là yếu tố tâm lý thông thường do xã hội tác động.