Người dân nhớ đến đầu tiên, phải là cảnh sát khu vực

ANTĐ - Nhiều người vẫn quan niệm Cảnh sát khu vực (CSKV) chỉ là mấy ông công an quản lý hành chính, thậm chí có người dân cho rằng CSKV “chỉ biết đi làm hộ khẩu”. 

Đó là những suy nghĩ chưa đúng về lực lượng CSKV, bởi trong nhiệm vụ bảo vệ bình yên của nhân dân, đấu tranh phòng chống tội phạm thì nhiệm vụ của CSKV là hết sức quan trọng. Họ là lực lượng gần dân nhất, và cũng là lực lượng phải gánh vác công tác nghiệp vụ hết sức nặng nề. Nhiều vụ án lần được ra manh mối, nhiều đối tượng truy nã lẩn trốn trong nhà dân bị phát giác là từ nguồn tin của CSKV; nhiều đối tượng phạm tội lầm lỡ được cảm hóa cũng là do trách nhiệm và sự kiên trì của cảnh sát khu vực…

Phải được sự tin yêu của nhân dân

Có thể nói, lực lượng CSKV có vai trò rất quan trọng, có tính chiến lược đối với yêu cầu quản lý ANTT tại cơ sở địa bàn, đặc biệt là yêu cầu phòng ngừa các loại tội phạm. Họ không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng quản lý hành chính về ANTT ở cơ sở như nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý đối tượng mà còn trực tiếp tham gia điều tra, khám phá nhiều vụ án hình sự, đặc biệt là triển khai tốt các biện pháp, mô hình phòng ngừa tội phạm, làm giảm tới mức thấp nhất các vụ việc trên địa bàn mình phụ trách. Và để đảm trách được nhiệm vụ, người CSKV phải có nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc và quan trọng nhất là phải giành được sự tin tưởng của nhân dân. Bởi CSKV là lực lượng gần dân nhất, nếu không được nhân dân tin tưởng, giúp đỡ thì họ  không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. 

Đâu đó vẫn còn có những ý kiến phản ánh về người CSKV chưa thực sự gần dân, sâu sát với nhân dân, chỗ này chỗ khác vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu với nhân dân nhưng đó chỉ là con số ít. Thử hình dung xem ở những thôn xóm, phường phố nếu thiếu những người cảnh sát khu vực thì sẽ như thế nào? Có hình bóng các anh, người dân   mới có cảm giác được bình yên. Trong công việc của mình tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều đồng chí cảnh sát khu vực tôi thấy họ thật thân thương trong đời sống của người dân. Còn nhớ cách đây chưa lâu, tôi đến phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, khi vừa thấy “chú công an”, bọn trẻ con trong ngõ đang chơi chạy ùa ra chào. Còn những chú công an thì gặp ai cũng hỏi, cũng chào như người thân trong nhà. Bà con dân phố có gì khó khăn thắc mắc là hỏi luôn chú công an. Cũng nhiều đồng chí CSKV tạo được sự thân thiện với người dân. Tại nhiều địa bàn, không ít đám cưới đám hỏi, đám hiếu đám hỷ, giỗ lạt của bà con dân phố phải mời bằng được anh cảnh sát khu vực. Họ có quý, có coi công an như người nhà thì mới mời đến những việc như thế…

Chia sẻ về công việc của lực lượng CSKV, Trung tá Bùi Gia Thái - Trưởng Công an phường Thành Công cho biết: công việc của người CSKV là công việc của người làm dâu trăm họ, bên cạnh đó trong công tác luôn phải hoạt động độc lập một mình một địa bàn. Bởi thế, để có được một người CSKV giỏi, tâm huyết với nghề, có sự uyển chuyển, khéo léo, làm tốt công tác dân vận và tạo được sự tin yêu với người dân đòi hỏi phải có sự đào tạo, tích lũy kinh nghiệm trong một thời gian công tác dài. Và trong quá trình ấy, người CSKV phải làm những việc dù nhỏ nhất để phục vụ nhân dân để thấy được trách nhiệm của mình. 

Đặc thù công tác của người CSKV là phải thường xuyên tiếp xúc với dân do vậy công việc của các anh cũng gắn liền với đời sống của nhân dân, với những công việc không tên mà trong đó có không ít những chuyện dở khóc, dở cười. Từ việc bị chồng đánh rồi xích mích với láng giềng cho đến những chuyện cỏn con như con chó chạy rông, rồi đổ rác không đúng nơi quy định, chuyện nhà bị mất điện muốn hỏi số điện thoại của công ty điện lực cũng đều được phản ánh với anh CSKV. Dù là những chuyện không tên, nhỏ nhoi như vậy nhưng với người CSKV lại là một niềm vui bởi khi người dân gọi điện cho CSKV nghĩa là vẫn còn tin tưởng, quý mến. Thế nhưng trong cái sự tin yêu đó cũng có những lúc phải trăn trở. Trung tá Thái tâm sự, có một đôi lần người dân gọi điện trực tiếp vào số máy điện thoại của anh để hỏi về những vấn đề rất nhỏ, như việc làm CMTND, nhưng những cuộc điện thoại như thế khiến anh suy nghĩ rất nhiều. Bởi người CSKV ở địa bàn này đã không làm tròn vai trò trách nhiệm của mình. Lẽ ra với một việc như vậy, người đầu tiên mà người dân nhớ đến phải là CSKV.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của người CSKV là nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Nếu CSKV không sâu sát, không thân tình với nhân dân, không chịu khó xuống cơ sở, chỉ khi có vụ việc mới đến thì không thể nắm bắt được tình hình. CSKV nếu không thân thiện khi đến với dân thì chỉ biết được những thứ bên ngoài mà không thể nắm hết được con người và sinh hoạt, cũng như diễn biến bất thường xảy ra tại khu dân cư. Do vậy trong nhiều trường hợp có những hoạt động vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn mình quản lý như việc sản xuất, buôn bán ma túy, rồi tàng trữ vũ khí... nếu người CSKV không có quan hệ tốt với quần chúng, không được quần chúng tin tưởng cung cấp thông tin thì cũng khó có thể phát hiện được những hành vi phạm pháp đang diễn ra trong những căn nhà tưởng chừng như bình yên ấy. Hoặc không nắm được diễn biến, tâm tư của các đối tượng “nổi” trong địa bàn thì không thể cảm hóa được họ.

Khác với những lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, trong quá trình công tác, công việc của người CSKV có thể xảy ra những tình huống nguy hiểm bất ngờ. Tuy nhiên trang thiết bị cho CSKV hiện mới chủ yếu là gậy điện, gậy cao su… trong trường hợp bị chống đối, người CSKV nếu không có sự hỗ trợ của đồng đội (thường là ở trong những tình huống như vậy người CSKV chỉ có một mình) sẽ không đảm bảo an toàn cho người thi hành nhiệm vụ. Như trong vụ việc xảy ra ngày 13-3 vừa qua. Đại úy Nguyễn Quang Thắng, CSKV phụ trách cụm dân cư số 8 phường Điện Biên  (quận Ba Đình) trong ca trực của mình đã phát hiện và ngăn chặn một vụ ẩu đả xảy ra giữa 2 nhóm thanh niên, anh đã bị một đối tượng côn đồ, liều lĩnh dùng tuýp sắt đánh vào đầu gây chấn thương phải khâu 8 mũi. Gặp những tình huống như vậy, nếu không có nhân dân hỗ trợ thì CSKV sẽ rất nguy hiểm và khó hoàn thành được nhiệm vụ.

Người dân là tai mắt, là cánh tay nối dài của CSKV. CSKV dù có tài giỏi cũng không thể nắm hết được tất cả những diễn biến phức tạp trên địa bàn nếu như không được dân tin yêu, cung cấp những thông tin đáng giá. Chính vì vậy, có thể nói tạo được sự tin yêu của dân chính là mục đích lớn trong mọi yêu cầu công tác của người CSKV.

Câu chuyện con cá mè

Nâng cao chất lượng hoạt động của CSKV cần phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Nâng cao chất lượng không chỉ về trình độ chính trị pháp luật, nghiệp vụ mà còn phải cả trong việc tạo dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nhân dân. Ngay chính lực lượng CSKV cũng cần phải nhận thức được rằng nhiệm vụ mình đang làm rất vinh quang và đáng tự hào, bởi họ đang gánh vác trách nhiệm hết sức nặng nề là sát cánh cùng lực lượng trực tiếp chiến đấu để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Trung tá Vũ Xuân Trường vẫn còn mạnh khỏe hơn nhiều so với cái tuổi 65 của mình. Những năm tháng giặc Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, đặc biệt là trong 12 ngày đêm máy bay B52 ném bom Hà Nội, Trung tá Vũ Xuân Trường khi ấy là CSKV phụ trách một trong ba “khối hủy diệt” ở khu phố Khâm Thiên. Những ngày đó, ông đã cùng đồng đội của mình không quản hiểm nguy đến tính mạng để giúp đỡ và sơ cứu người dân khỏi làn mưa bom của kẻ thù. Trung tá Vũ Xuân Trường tâm sự “Lúc tôi còn là CSKV dù trong thời kỳ chiến tranh và cả cả sau này khi đất nước đã được giải phóng, lực lượng CSKV rất tâm huyết với công việc và thực sự gắn bó với nhân dân”. Cái tâm huyết được ông lý giải, người CSKV mỗi lần xuống địa bàn đều phải giở sổ sách ra nghiên cứu, phải nắm được “4 thông thuộc” của người dân. Bởi có nắm được hoàn cảnh của từng gia đình, nắm được tâm tư nguyện vọng của từng người dân thì mới có thể đặt vấn đề nhờ người dân giúp đỡ mình trong mọi công tác về chính trị, an ninh trật tự cũng như xây dựng phong trào đường phố.

Trong những ngày tháng đó, mặc dù cuộc sống còn gặp vô vàn những khó khăn gian khổ nhưng tình cảm của người dân dành cho CSKV thực sự trân trọng và đáng quý. Trung tá Vũ Xuân Trường vẫn còn nhớ như in những hình ảnh tình nghĩa của một cặp vợ chồng già khi thấy các chú CSKV vất vả quá, ăn uống không đủ no đã nói: “Người dân sẽ không bao giờ để cho các chú phải đói, nếu nhà có con cá mè, tôi ăn phần đầu, các chú ăn phần đuôi. Nấu được bát riêu cua tôi sẽ nhường cho các chú phần nửa”. Có thời kỳ, cả tổ CSKV phải ở nhờ nhà người dân. Rồi mỗi khi thấy anh CSKV ốm đau, người dân sẵn sàng nấu cháo, nhường từng viên thuốc cảm để cho anh CSKV sớm khỏi bệnh. Lòng tin mà người dân dành cho người CSKV là rất lớn, Trung tá Vũ Xuân Trường kể, có những giai đoạn người dân đi sơ tán, hầu như tất cả đều gửi lại anh CSKV chìa khóa để nhờ các anh trông nhà giúp, hành động ấy là sự tin yêu rất lớn của người dân với các anh công an phường phố. 

Nhắc câu chuyện cũ để thấy rằng với người CSKV, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào thì tình cảm, sự tâm huyết, lòng nhiệt tình và sự trách nhiệm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Lực lượng CSKV phải làm sao để: Người dân nhớ đến đầu tiên là Cảnh sát khu vực!