Người đàn bà ám ảnh "thói quen"... trộm cắp!

ANTĐ - Ăn cắp đã thành thói quen từ thời trẻ, nên bây giờ, sau năm lần bảy lượt vào tù ra khám, tôi bảo rằng chưa bao giờ tôi khao khát được hoàn lương, được đoạn tuyệt hoàn toàn với con đường cũ như bây giờ.

Vào tù, ra tội đã thành cơm bữa, nên tôi thuộc lòng con đường lầm lỡ của mình. Mỗi lần bị bắt, đến một trại giam mới, khi các cán bộ quản giáo hỏi, tôi lại phải kể quãng đời đáng xấu hổ của mình. Suốt mười mấy năm tuổi thanh xuân, tôi chỉ biết làm có 2 việc: Trộm cắp và đi tù. Nhưng bây giờ, tôi đã biết ân hận, đã biết xấu hổ, đã biết ao ước giá có một loại thuốc chữa bệnh trộm cắp để giúp tôi làm lại cuộc đời.

Nữ đạo chích chuyên hành nghề ở khách sạn hạng sang

Tôi sinh ra ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An, một bãi biển du lịch khá có tiếng ở miền Bắc. Ở quê tôi, mùa du lịch thì nhà nhà đổ xô đi làm du lịch, mở đủ các loại dịch vụ kinh doanh để kiếm tiền từ khách thập phương. Đến những tháng vắng khách thì ai lại vào việc đó, đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà lo quán xuyến nhà cửa. Cuộc đời tôi đáng lẽ ra cũng sẽ bình lặng như thế, nếu như tôi không tự chọn cho mình một "nghề nghiệp" khá đặc biệt, đi ngược lại với quỹ đạo bình thường của những người đàn bà vùng biển.

Ngày bé, tôi mải chơi, lười học. Thế nên trong khi bạn bè còn cắp sách đến trường thì tôi đã nghỉ học và trở thành một kẻ mù chữ. Không có kiến thức để có thể kiếm một công việc tử tế, nhưng tôi lại lười lao động. Thế nên tôi đã chọn cho mình một công việc "nhàn hạ" nhất, đó là nghề trộm cắp của cải. Tôi bắt đầu tập tành ăn cắp từ năm 7 tuổi. Khi đó là trẻ con, tôi móc túi mọi người khi đi xem phim, xem lạch ở bãi, chỉ vì thích có tiền mua kẹo. Nhưng càng lớn thì lòng tham càng lớn. Tôi bắt đầu bước chân vào con đường trộm cắp chuyên nghiệp từ thuở thiếu nữ. Chính vì thế, tôi đã trở thành một tay trộm lành nghề khi còn rất trẻ. Học chữ thì dốt, nhưng học các "mánh" trộm cắp thì tôi thực sự có năng khiếu trời phú.

Để ý thấy vùng quê Cửa Lò của mình nhiều khách sạn lớn, nhiều khách du lịch đến nghỉ ngơi, vui chơi, hưởng thụ, tôi đã kết luận một điều rằng tất cả những khách nghĩ ở khách sạn nhất định phải rủng rỉnh tiền bạc và có nhiều đồ đạc giá trị. Chính vì thế, tôi không bao giờ thèm đi ăn cắp vặt hay đi móc túi như những tên trộm bình thường mà vạch ra hẳn một kế hoạch hoàn hảo để thực hiện các phi vụ trót lọt. Để phục vụ cho việc "kiếm ăn", tôi đã không tiếc tiền mua sắm trang phục, đồ trang điểm, va li, túi xách, đều là hàng đắt tiền, để làm phương tiện hành nghề. Tôi bắt đầu ra vào các khách sạn lớn, trong vai một quý bà đi nghỉ, rồi tranh thủ ngó nghiêng các tầng khách sạn để chờ xem có khách nào sơ hở là nhảy vào cuỗm đồ. Đêm đêm, trong lúc các vị khách khác đã say ngủ thì tôi lại lần mò từng tầng khách sạn, tìm xem có khách nào ngủ mà quên khóa cửa phòng để lẻn vào ăn cắp. Có những lần, trong vai phục vụ phòng, tôi vào gõ cửa, dọn dẹp phòng rồi nhân lúc khách không để ý là thó bất cứ thứ gì có giá trị trong tầm tay mình.

 

Năm 1997, tôi bị bắt lần đầu tiên ở một khách sạn ở thị xã Cửa Lò và bị kết án hơn 3 năm tù. Đi tù về, tôi tiếp tục "ngựa quen đường cũ" và lại bị bắt vào năm 2005, trong một lần "hành nghề" ở khách sạn. Nhưng lần này tôi chuyển hướng mục tiêu, không ăn trộm ăn cắp ở những khách sạn gần nhà nữa để tránh điều tiếng cho bố mẹ, bởi có một đứa con gái trộm cắp thành nghề, bố mẹ tôi từ lâu đã chẳng còn mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm. Chính vì thế tôi bắt đầu "đánh bắt" xa bờ. 3 tháng sau khi ra tù, trên đường ra trại giam số 5 (Yên Định - Thanh Hóa) để thăm người yêu, tôi đã ghé qua khách sạn Sao Mai, khách sạn lớn nhất của thành phố Thanh Hóa để "kiếm chút tiền đi thăm người yêu".

Trong vai một khách đến thuê phòng nghỉ, tôi đã lọt vào trong khách sạn một cách dễ dàng mà không bị một chút ngờ vực nào. Nửa đêm, tôi đi các tầng và phát hiện ra một phòng quên khóa cửa. Tôi đã lẻn vào và lấy cắp đi tiền bạc và một số đồ có giá trị. Nhưng không may cho tôi là khách sạn có camera theo dõi, nên rạng sáng hôm đó tôi đã bị bắt với đầy đủ tang chứng, vật chứng, hoàn toàn không còn gì để chối cãi. Tôi lại tiếp tục đi tù sau 3 tháng vừa rời khỏi trại giam.

Ước mơ tìm về cuộc đời lương thiện

Vào tù ra tội liên miên, nên mối tình đáng kể nhất của tôi là mối tình với một tù nhân nam tên là Cao Văn Thủy, đang thụ án trong Trại giam số 5 (Yên Định - Thanh Hóa). Qua những lần đi lao động gặp nhau và qua lời giới thiệu của bạn bè, tôi và Cao Văn Thủy đã ngầm để ý nhau và bắt đầu thư qua thư lại. Ra tù, tôi thậm chí còn liên lạc với gia đình người yêu để đặt vấn đề qua lại như con cái trong nhà, và mơ ước sẽ tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình. Chính cái hôm hẹn với mẹ người yêu đi thăm anh ấy ở trong Trại giam số 5 là cái hôm tôi đi ăn trộm ở khách sạn Sao Mai và bị bắt. Lúc đó, phần vì muốn có tiền thật rủng rỉnh đi thăm người yêu, phần vì muốn "thể hiện" với mẹ người yêu, phần vì cái tính ăn cắp nó đã ngấm vào máu, nên tôi lại phạm tội và lại phải vào đây.

Việc tôi vào tù, cũng đồng nghĩa và việc ước mơ của tôi vào tương lai, vào một mái ấm hạnh phúc có nguy cơ tan biến. Dù tình yêu có đẹp đẽ, lãng mạn đến mấy thì cũng chẳng thể tránh khỏi cái sự thật trần trụi của hai kẻ tù tội, đến tự do cũng chẳng có. Nếu thực sự đợi được nhau đến ngày ra tù, liệu rằng chúng tôi có thể đến với nhau, có thể làm lại từ đầu và gây dựng một tương lai tươi sáng hơn được không?

Nhưng dù lo lắng thì tôi vẫn không ngừng khao khát mơ ước và hi vọng vào hạnh phúc và may mắn sẽ đến với mình trong tương lai, vẫn hi vọng ngày mình ra tù, mình sẽ được làm vợ, làm mẹ và sống trọn đời bên người mình yêu thương. Điều an ủi nhất đối với tôi là dù chưa một lần gặp "mẹ chồng", chưa một lần ra mắt tử tế, đàng hoàng, nhưng bà đã coi tôi như con dâu thật sự và chăm sóc tôi chẳng khác gì chăm sóc đứa con trai tù tội của mình.

Mỗi tháng bà gửi cho con trai bao nhiêu quà cáp thì cũng gửi cho "con dâu" bấy nhiêu. Thỉnh thoảng, những khi thu xếp được thời gian, bà đi thăm con trai ở Trại giam số 5 rồi lại xuống Trại Thanh Phong để thăm tôi. Tình mẫu tử mà tôi nhận được ở bà đã khiến tôi thực sự xúc động, vừa thấy mình hạnh phúc, vừa thấy lòng hổ thẹn khôn cùng. Đó là lúc tôi khao khát hơn bao giờ hết cái hi vọng được trở lại cuộc sống đời thường, làm một người đàn bà bình thường - điều mà những năm tháng trước đây, tôi chẳng bao giờ nghĩ tới.

Ở trong trại giam, tôi đang cố gắng từng ngày để đạt được ước mơ đó. Tôi cải tạo tốt, không vi phạm gì và thường xuyên trăn trở để tìm cách loại bỏ những thói hư tật xấu của mình. Ở khác trại giam, nên tôi và người yêu thường viết thư cho nhau, kể cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn trong cuộc sống. Có một người đàn ông để yêu thương, để được quan tâm, chăm sóc và được dựa dẫm, thì dù chỉ là qua những lá thư cũng đã là một hạnh phúc quá đỗi ngọt ngào với tôi.

Tôi mù chữ, nhưng khao khát có thể đọc được thư người yêu gửi và viết lại cho người mình yêu những lời yêu thương, ngọt ngào khiến tôi lần đầu tiên trong đời bắt đầu chuyên tâm học hành, luyện chữ ở lớp xóa mù trong trại giam. Những ngày đầu, tôi thậm chí chẳng thể viết được một câu ra hồn. Nhưng dần dần, tôi đã có thể viết thành thạo tên mình, có thể diễn đạt những điều mình muốn nói và viết những lời bay bướm, lãng mạn gửi cho người yêu. Tôi đang sống trong những ngày hạnh phúc ngọt ngào và chỉ cầu mong cuộc đời mình sẽ không có biến cố nào nữa.

Ăn cắp đã thành thói quen từ thời trẻ, nên bây giờ, sau năm lần bảy lượt vào tù ra khám, tôi bảo rằng chưa bao giờ tôi khao khát được hoàn lương, được đoạn tuyệt hoàn toàn với con đường cũ như bây giờ. Là kẻ ăn cắp quen tay, giờ không lấy trộm được của người ta cái gì đó chắc sẽ thấy khó chịu lắm, ngứa chân ngứa tay lắm. Nhưng tôi đã làm khổ bố mẹ tôi nhiều rồi, tôi cũng hủy hoại cuộc đời tôi nhiều rồi. Chính vì thế tôi thực sự không muốn mắc sai lầm thêm nữa. Tôi chỉ ước giá có một loại thuốc nào đó chữa được bệnh thích ăn trộm, tôi sẽ uống ngay, để quay trở lại cuộc đời lương thiện. Để tôi có thể yên tâm nghĩ về một cuộc đời mới với người đàn ông mà tôi đã yêu và quyết định cùng chia sẻ đoạn đời sau này.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Thị Phú
(trại giam Thanh Phong)