Người bệnh phải ra ngoài mua thuốc do bệnh viện thiếu thuốc, có được BHYT hoàn trả tiền?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xác nhận tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, đại diện cơ quan BHXH Việt Nam chia sẻ, ngay những bệnh viện lớn như Bạch Mai cũng đang hết sức lúng túng...
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra phổ biến ở nhiều bệnh viện, nhiều địa phương

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra phổ biến ở nhiều bệnh viện, nhiều địa phương

Tại buổi thông tin báo chí chuyên đề về bảo hiểm y tế (BHYT) sáng 8-7, Trưởng Ban chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến tại các tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Quảng Nam...

Nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động.

Ông Phúc chia sẻ thông tin, tại một cuộc họp liên Bộ về tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh mới đây, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - PGS.TS Đào Xuân Cơ đưa đến 2 dụng cụ hút dịch mũi cần mua sắm, một của Trung Quốc, một của Đài Loan (Trung Quốc).

Hai dụng cụ có tiêu chuẩn kỹ thuật như nhau, nằm trong cùng một danh mục thiết bị nhưng giá lại chênh nhau mấy chục nghìn đồng. Theo nguyên tắc thì loại hàng giá thấp sẽ trúng đấu thầu nhưng nếu dụng cụ có mức giá rẻ hơn đó được mua sắm, đưa về các bệnh viện thì cũng không dùng được vì thiết bị đó cứng, sử dụng gây chảy máu với bệnh nhân.

Ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh, có nhiều vướng mắc thực tế như vậy cần tháo gỡ mới giải quyết được chuyện thiếu vật tư y tế khám chữa bệnh.

"Mới đây Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung, hy vọng trong tháng 7 này sẽ có được kết quả để công bố với dư luận. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỷ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán khám chữa bệnh. Đây đều là các thuốc có nhu cầu sử dụng cao, giá trị lớn thuộc nhóm 1, nhóm 2. Đây chính là nút thắt lớn cần tháo gỡ để giải quyết việc thiếu thuốc điều trị cho người bệnh hiện nay" - ông Phúc nhận định.

Về giải pháp, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, ở góc độ của ngành bảo hiểm, BHXH đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân BHYT. Quan điểm của cơ quan bảo hiểm là giám định nhanh nhất có thể với đề xuất để các bệnh viện để có thể nhanh chóng mua sắm thuốc.

Nói về phương án hoàn tiền mua thuốc, vật tư y tế do các bệnh viện thiếu thuốc và người bệnh phải mua thuốc bên ngoài trong thời gian vừa qua, ông Phúc khẳng định: trong quy định về thanh toán trực tiếp đối với người bệnh không có việc phải thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.

Bên cạnh đó, Nghị định 146 của Chính phủ năm 2018 quy định rất rõ cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phải đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế cho người tham gia BHYT. Rõ ràng, trách nhiệm này thuộc cơ sở khám chữa bệnh.

"Thanh toán cho bệnh viện hay người bệnh, việc này phải có ý kiến cấp có thẩm quyền" - ông Phúc nói.