Ngổn ngang trăm mối…

ANTĐ - Từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá sẽ được thực hiện quyết liệt để đạt được mục tiêu giữ lạm phát ở mức một con số. Đồng thời, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai thông qua việc giãn, giảm các loại thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định như vậy trong chương trình trực tuyến “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.

Ông Bộ trưởng cho biết, tính đến hết tháng 9, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, giãn thuế với số tiền gần 20.000 tỷ đồng cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Trong chiến lược cải cách thuế, Bộ đang rà soát lại tất cả các loại thuế, phí theo nguyên tắc giảm dần tỷ lệ động viên để đảm bảo tăng tiêu dùng và đầu tư cho sản xuất.

Trả lời thắc mắc về việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu, Bộ trưởng nhấn mạnh mức thuế ở Việt Nam khá thấp so với một số nước và tương đương với Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời dân thì Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cũng tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp. Dự cảm chung của giới doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh là gì? Quý III-2012 khó khăn hơn nhiều so với quý II và trong quý IV vẫn tiếp tục khó khăn. Các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng xấu đi nhiều, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận, tổng doanh số và hàng tồn kho. Trong đó, chỉ số lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm có xu hướng giảm mạnh nhất. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên không khí ảm đạm trong nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị giảm, lực lượng lao động cũng giảm mạnh do sản xuất kinh doanh đình đốn. Giới doanh nghiệp thẳng thắn chỉ rõ, môi trường chính sách và điều hành vĩ mô có xu hướng xấu đi, mặc dù tính minh bạch, thái độ và trách nhiệm của cán bộ công quyền đã được cải thiện phần nào. Một thực trạng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất và cũng kêu ca nhiều nhất là vốn vay và lãi suất. Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, đã có 82,6% đang vay vốn ở mức lãi suất 15% trở xuống, nhưng trong số này chỉ có 0,6% doanh nghiệp cho rằng, mức lãi vay 15% là hợp lý, có tới trên 60% doanh nghiệp kêu rằng “không thể chịu nổi mức lãi vay này lâu dài”. Trong khi đó, có 65,3% doanh nghiệp khẳng định việc nới lỏng tín dụng có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, còn 24,9% doanh nghiệp nói rằng việc này chẳng có tác động gì bởi vì sức mua của thị trường giảm sút, dù có nới lỏng tín dụng thì họ cũng chẳng “ôm” vốn để làm gì.

Chính phủ vừa quyết định gia hạn thêm 3 tháng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm bớt phần nào khó khăn về vốn. Chính sách thuế cũng chỉ “cứu” được phần nào, còn cả “một núi” hàng tồn kho, rồi còn nguồn vốn vay đang “nghẽn mạch”. Cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước ngổn ngang trăm mối khó khăn.