"Ngòi nổ" tàu lặn không người lái

ANTD.VN - Căng thẳng do Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ đã tạm thời lắng xuống sau khi Bắc Kinh nhất trí trao trả lại thiết bị này. Tuy nhiên, hệ quả từ vụ việc này chắc sẽ không đơn giản.

Tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ

Ngày 17-12, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bắc Kinh đã nhất trí trả lại thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ mà Hải quân Trung Quốc thu giữ hồi tuần trước tại vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 50 hải lý về phía Tây Bắc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc nêu rõ: “Thông qua liên hệ trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc, chúng tôi được biết là phía Bắc Kinh sẽ trả lại UUV cho Mỹ”.

 Không có lời giải thích rõ ràng nào liên quan trực tiếp đến quyết định trao trả UUV cho Mỹ được đưa ra từ phía Trung Quốc. Nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại khẳng định Bắc Kinh phản đối hoạt động do thám và khảo sát với mục đích quân sự của Mỹ trong vùng biển nói trên. Trung Quốc sẽ duy trì cảnh giác trước các hoạt động do thám của Mỹ và sẵn sàng thực hiện những biện pháp cần thiết.

Đây là dấu hiệu cho thấy điều mà giới quân sự đã cảnh báo về một “cuộc cạnh tranh ngầm trên Biển Đông”. Nhiều năm trước, Mỹ thường chế giễu các tàu ngầm Trung Quốc quá ồn ào và dễ dàng bị phát hiện. Nhưng vài năm gần đây, tình thế đã thay đổi khi các tàu ngầm của Bắc Kinh có thể theo dõi các hàng không mẫu hạm của Mỹ đi qua biển Hoa Đông.

Hồi tháng 10-2015, các quan chức Mỹ đã bị sốc khi phát hiện một tàu ngầm của Trung Quốc bất ngờ lởn vởn ở cự ly “rất gần” với tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ ở vùng biển gần Nhật Bản.

Để duy trì vị trí dẫn đầu, hải quân Mỹ tăng cường chương trình chế tạo các thiết bị lặn không người lái. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã cho công bố thiết bị ngầm bán tự động dài 3m, có khả năng “đánh hơi” tàu ngầm cũng như các chiến dịch chống tàu ngầm và chiến dịch dài hơi trên các đại dương. Những thiết bị này có thể lọt qua các máy dò cùng hệ thống phòng thủ của Trung Quốc và di chuyển trong những vùng nước nông, hay thậm chí áp sát các cảng của Trung Quốc.

Có lẽ đây chính là lý do Trung Quốc rất cảnh giác với các thiết bị lặn của Mỹ. Các tàu nghiên cứu hải dương học của Mỹ hoạt động ở khu vực này thường bị theo dõi với nghi ngờ gián điệp. Tuy nhiên, việc thiết bị lặn thu thập thông tin khoa học của tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch bị Hải quân Trung Quốc thu giữ lại là điều chưa từng có tiền lệ. 

Bất kể lý do nào, vụ Trung Quốc tịch thu tàu lặn của Mỹ, vốn hoạt động trong vùng biển quốc tế, đánh dấu bước ngoặt so với những hành động của nước này trước đây. Ông M. Fuchs, nguyên Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á (nhiệm kỳ 2013-2016), lo ngại: “Điều đó có nghĩa tất cả những hành vi mà trước đây được công nhận, như thăm dò khoa học trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, có thể trở thành điểm nóng mới”. 

Còn ông B. Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Mỹ) thì cho rằng: “Việc Trung Quốc tịch thu thiết bị này là hành động mang tính đối đầu rất rõ ràng. Hẳn họ đã nhận được nhiều cái gật đầu cho hành vi khiêu khích này”.

Nhiều nhà phân tích quân sự lo ngại việc UUV bị tịch thu cho thấy “tình hình Biển Đông có thể vượt ngoài tầm kiểm soát vì tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc cũng như những điều mà nước này sẵn sàng làm để củng cố chủ quyền sai trái”.

Mới đây, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ (US PACOM), Đô đốc H. Harris, tuyên bố Washington sẽ tiếp tục thách thức hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn trên trang mạng cá nhân, Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump thì tuyên bố rằng, ông sẽ cứng rắn với những hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Chưa biết Mỹ sẽ đáp trả vụ UUV bị  bắt giữ thế nào nhưng chắc chắn đây sẽ là ngòi nổ làm nóng quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian sắp tới.