- Nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an quận Tây Hồ được khen thưởng
- Tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ Công an quận Hà Đông đến với vùng khó khăn tỉnh Bắc Giang
Người con, người bạn của vùng đất Giang Biên
“Gia đình không có ai theo nghề, nhưng tôi cảm nhận mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành thực sự là cái duyên với vùng đất, địa bàn Giang Biên. Cả đơn vị chỉ có mỗi tôi là công dân gốc của phường này” - Đại úy Đào Văn Khánh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nụ cười hiền lành. Lại nhớ trước cuộc gặp với người chiến sỹ Cảnh sát khu vực trẻ tuổi này, phải bằng kha khá sự tác động, thậm chí “chỉ đạo” của cấp trên, Đại úy Khánh mới đồng ý cuộc hẹn. Bởi như anh nói, “mình đã làm được nhiều việc đâu. Cố gắng thì bản thân luôn cố gắng rồi, nhưng kết quả có được là công sức, sự ủng hộ của đồng đội”.
|
Đại úy Đào Văn Khánh (thứ hai, từ trái sang) tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến – Người tốt việc tốt vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 |
Đại úy Đào Văn Khánh cũng giống như nhiều cán bộ, chiến sỹ mà chúng tôi từng trò chuyện, đó là rất ngại nói về mình và ngại nhất là việc… lên báo. Trung tá Nguyễn Hữu Đoàn - Phó trưởng Công an phường Giang Biên kể, có khi anh em ngồi với nhau cả buổi cũng chả thấy chia sẻ gì. Nhưng khi đã động đến chuyên môn, công việc, thì Khánh lại là con người khác hẳn, rất say mê, nhiệt huyết, trách nhiệm. Khởi điểm là chiến sỹ nghĩa vụ, học trung cấp, rồi lên đại học, năm 2012 tân binh Đào Văn Khánh được điều động về đúng phường nhà làm Cảnh sát khu vực.
Giang Biên giờ vẫn nửa đô thị, nửa… nông thôn. Khu đất đi từ trụ sở Công an phường ra chừng 5 phút xe máy cũng mênh mang lúa, mà như Đại úy Khánh kể thì “nhà tôi vẫn còn mấy sào đất 64”. Đại úy Khánh tâm sự, hơn 12 năm về Giang Biên làm Cảnh sát khu vực, cái khó nhất là vượt qua được ranh giới giữa “người Nhà nước và… người làng”. Thuận lợi thì có nhiều, đó là quá hiểu mảnh đất và con người Giang Biên, nhưng cũng có cái vướng. Đó là cứ có việc gì liên quan đến thủ tục hành chính hay pháp luật là hàng xóm, người trong họ, trong tổ dân phố lại đến tận nhà, lại “chú Khánh… chú Khánh… hộ tôi việc này chút…”.
Tinh thần trách nhiệm và tấm lòng của Đại úy Đào Văn Khánh, có lẽ hơn ai hết, bà H (trú tại tổ dân phố 20) chẳng thể quên. Năm 2022, sự ra đi đột ngột của người chồng khiến bà H suy sụp. Khoản lương hưu của ông là nguồn thu nhập chính của gia đình không còn, bản thân bà H già yếu, không có khả năng lao động, trong khi D (con trai bà) thì nghiện. “Thằng D hễ gặp tôi là chỉ có xin tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Tôi có một khao khát là nhìn thấy nó từ bỏ được “cái chết trắng” - người phụ nữ đáng thương tìm đến Đại úy Khánh với nước mắt lưng tròng.
“D trạc tuổi tôi, từ bé chúng tôi đã chơi với nhau, tuy không thân. Lớn lên mỗi người một hoàn cảnh, mình may mắn hơn, làm công việc bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Chính sự quen biết và khác biệt ấy giúp thuận lợi cho việc tiếp xúc, khuyên nhủ D” - Đại úy Khánh nhớ lại. Sau lần gặp với bà H, gần như ngày nào Đại úy Khánh cũng đến thăm hỏi, vận động D đi cai nghiện. Nhưng không hề dễ dàng chút nào. Tuy không giống với các trường hợp khác, D chưa có tiền án, tiền sự, không “côn đồ, máu mặt”, nhưng cậu ta lại nghiện lâu năm. Mà ma túy đã dính vào thì lúc tỉnh nghe, gật, còn khi lên cơn thèm thì…
Nhưng “mưa dần thấm lâu”, trước sự chân tình của đồng chí Cảnh sát khu vực, D đã đồng ý đi cai nghiện tự nguyện. Tháng 7-2022, D cai thành công và trở về. Đại úy Khánh vẫn thăm hỏi, thường xuyên động viên. Đến bây giờ, D tâm sự, chính nhờ sự động viên, quan tâm ấy đã giúp anh ta vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Chưa hết, D còn được Đại úy Khánh hỗ trợ xin việc làm và lần đầu tiên biếu mẹ đồng tiền bằng chính sức lao động của mình.
|
Đại úy Đào Văn Khánh phục vụ người cao tuổi làm căn cước công dân |
Đồng cảm
Với cảm nhận của Đại úy Đào Văn Khánh, hơn 12 năm qua và nhất là khoảng 5 năm trở lại đây, công việc của Cảnh sát khu vực chưa bao giờ không vất vả, bận rộn. Cộng thêm hoàn cảnh gia đình khiến sự vất vả của người chiến sỹ nhân đôi. Năm 2021, gia đình Đại úy Khánh nhận hung tin cha mắc bệnh ung thư. Khi trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Khánh bày tỏ: “Những gì tốt đẹp nhất, trọn vẹn nhất với bố, tôi đã làm được”.
Đều đặn 3 năm nay, hàng ngày Đại úy Khánh dậy sớm đưa bố đến bệnh viện điều trị rồi quay về kịp giờ làm việc. “Từng ấy thời gian, thực sự nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia của đơn vị, đồng đội, chắc mình không đảm đương hết được” - Đại úy Khánh tâm sự…
Liên tiếp các năm 2023-2024, Đại úy Đào Văn Khánh được UBND TP Hà Nội, CATP Hà Nội, UBND quận Long Biên trao tặng phần thưởng, danh hiệu Gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Trung tuần tháng 10 vừa qua, Đại úy Đào Văn Khánh được biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến - Người tốt việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024…
“Phần thưởng nào cũng cao quý, vinh dự, song với tôi, hạnh phúc nhất là được trở thành người chiến sỹ Công an của nhân dân, là con em của mọi mái ấm gia đình” - Đại úy Đào Văn Khánh chia sẻ…
Người thân nhất bị bệnh hiểm nghèo, rồi chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn của các bệnh nhân ung thư, khi biết cháu N.M.P (sinh năm 2009, công dân trên địa bàn phụ trách) mắc ung thư máu đúng lúc bố cháu bị tai biến phải nghỉ công tác, Đại úy Khánh đã có những hành động kịp thời, nhân văn.
Với một phần đồng lương của mình, Đại úy Đào Văn Khánh đã vận động hàng xóm, láng giềng, tổ dân phố cùng các nhà hảo tâm quyên góp được hơn 200 triệu đồng gửi cho gia đình cháu P để hỗ trợ điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Quá trình điều trị bệnh, cháu P bị rụng hết tóc. Cú sốc bệnh tật ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý khiến cháu cảm thấy tự ti, mặc cảm, thu mình không tiếp xúc bên ngoài. Để trấn an tâm lý cho cháu, giúp P vượt qua nỗi đau bệnh tật, Đại úy Đào Văn Khánh cùng gia đình cháu ngày ngày khích lệ. Và điều ngỡ tưởng không thể làm được đã thành công, đó là cháu P đã tự tin đến trụ sở CAP Giang Biên để làm thủ tục cấp căn cước công dân và xác thực định danh điện tử.
“Thực tế thì chúng tôi có thể hỗ trợ cấp lưu động Căn cước công dân cho cháu, nhưng tôi dứt khoát không đồng ý. Tôi cố gắng tạo tâm lý thoải mái nhất, động viên mọi cách để cháu P đến trụ sở hoàn thành thủ tục. Mục đích là để cháu thấy cuộc sống này luôn tươi đẹp và còn nhiều điều mà cháu cần phải khám phá, phấn đấu, học hỏi. Và hơn cả, cháu xứng đáng được sống vui vẻ trong tình yêu thương của tất cả mọi người” - Đại úy Đào Văn Khánh nhớ lại.
Cháu P giờ đã đăng ký xong thủ tục nhập học một trường cao đẳng. Còn với Đại úy Khánh, anh sẽ giữ mãi kỷ niệm là lá thư của cô gái nhỏ bé, dũng cảm: “Những ngày cháu nằm viện, khi gia đình khó khăn nhất chú đã thường xuyên đến động viên thăm hỏi. Chú còn kêu gọi bà con, các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình để cháu có cơ hội chữa bệnh. Cháu không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành nhất. Chú đã làm nhiều hơn những gì người công an cần làm. Chú đã ở bên gia đình cháu như người thân trong lúc khó khăn nhất…”.
Xuất phát từ cái tâm và cũng là trách nhiệm của người chiến sỹ Công an nhân dân, đồng thời với nhận thức muốn quản lý tốt địa bàn phải dựa vào nhân dân, Đại úy Đào Văn Khánh đã được người dân tin yêu, giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh chia sẻ, điều mong muốn nhất đối với chiến sĩ Cảnh sát khu vực là an ninh, trật tự trên địa bàn được đảm bảo; những người có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền và các ban, ngành quan tâm kịp thời; người dân phối hợp tốt với lực lượng Công an để giữ gìn trật tự, an ninh, làm tốt công tác phòng ngừa…