Nghệ thuật Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam

(ANTĐ) - Là cuộc hội thảo về Phật giáo vừa diễn ra tại Nhà hát Kim Mã (Hà Nội). Sự có mặt và những đóng góp tích cực của đạo Phật cho sự phát triển của văn hóa VN, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc đã được đề cập trong một hội thảo khoa học lớn, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học.

Nghệ thuật Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam

(ANTĐ) - Là cuộc hội thảo về Phật giáo vừa diễn ra tại Nhà hát Kim Mã (Hà Nội). Sự có mặt và những đóng góp tích cực của đạo Phật cho sự phát triển của văn hóa VN, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc đã được đề cập trong một hội thảo khoa học lớn, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học.

Đã hiện hữu, gắn liền với kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam từ hai nghìn năm qua, nghệ thuật đạo Phật đang được xã hội chú ý. Công trình nghiên cứu đầu tiên về âm nhạc Phật giáo VN trong nước cũng như quốc tế phải kể đến Luận án Tiến sĩ của GS, TS Nguyễn Thuyết Phong (NTP) - một người đã học âm nhạc nghi lễ Phật giáo từ lúc lên 7 tuổi và gắn bó với văn hóa âm nhạc VN, bằng đề tài: “Âm nhạc Phật giáo VN nghiên cứu đối chiếu với các truyền thống Phật giáo ở Đông á”, bảo vệ năm 1982 tại Paris, Pháp.

Từ đó tới nay cả trong và ngoài nước vấn đề này chưa được tiếp tục nghiên cứu một cách thỏa đáng. Bởi vậy, một hội thảo về nghệ thuật Phật giáo luôn là mong muốn và niềm chia sẻ thường xuyên của GS Nguyễn Thuyết Phong (Viện Nghiên cứu GD, ĐH Hoa Kỳ tại VN) với GS Hoàng Chương (TT Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc). Cùng với GS, TS Thái Kim Lan (CHLB Đức), 3 vị GS có uy tín trong nước và quốc tế, những người có tấm lòng gìn giữ văn hóa dân tộc đã đứng ra tổ chức cuộc hội thảo này.

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trong cuộc hội thảo
Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trong cuộc hội thảo

Không còn bó gọn trong âm nhạc mà hội thảo đã mở rộng ra ở các phương diện khác với 22 tham luận của các nhà nghiên  cứu với nhiều chủ đề như kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, nghi lễ, điêu khắc, trang phục, múa, văn học… và cả ẩm thực. Như vậy có thể thấy Phật giáo có ảnh hưởng rất nhiều đến các loại hình nghệ thuật dân tộc. Hai tham luận về âm nhạc gây ấn tượng tại hội thảo là của nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận với đề tài “Những dấu ấn lịch sử của cổ nhạc Nam bộ và Phật giáo Bạc Liêu” và của Thích Chánh Đức với đề tài “Nghi lễ Phật giáo Việt Nam xưa và nay”.

Trong nghệ thuật dân tộc, kiến trúc là một dòng chảy và là bộ môn quan trọng, TS Phạm Việt Long trong tham luận nói về hình ảnh của ngôi chùa với cuộc sống đương đại, sau những phân tích một cách tổng hợp và sâu sắc đã kết luận “... Chùa là những công trình nghệ thuật tiêu biểu, đồng thời là đối tượng sáng tạo nghệ thuật, có vị trí đặc biệt trong cuộc sống mọi thời đại”. Bên cạnh kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc - nghệ thuật tạc tượng của đạo Phật đã trở thành đối tượng nghiên cứu “đặc biệt” của các sinh viên theo học hội họa, điêu khắc... đó là những minh chứng xác thực, tồn tại cho tới hôm nay, chứng minh cho một nền mỹ thuật dân gian phát triển phong phú và đa dạng.

GS Thái Kim Lan bàn sâu sắc với tính triết lý sâu xa của vẻ đẹp đạo đức và sự thanh tịnh của con người nhấn mạnh đến gia tài đáng tự hào, vẻ đẹp đạo đức của con nguời.

Bên cạnh đó, chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải và Ths. Bùi Hữu Dược có tham luận về ẩm thực chay; nghiên cứu công phu về trang phục trong đạo Phật của TS Đoàn Thị Tình; Mối quan hệ giữa nghệ thuật Phật giáo với sân khấu Chèo truyền thống... của NS Nguyễn Thế Phiệt… đã chứng minh sự phong phú đa dạng của nghệ thuật Phật giáo gắn chặt với đời sống xã hội.

Hội thảo là một điểm nhấn để gợi lại truyền thống nghệ thuật Phật giáo dân tộc và thêm một lần khẳng định truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc độc đáo Việt Nam. Như GS Vũ Khiêu đã khẳng định: “Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ra đời và lớn lên trong mối quan hệ giữa giáo lý nhà Phật và đạo lý dân tộc” hay có thể hiểu đạo Phật ra đời để phục vụ cho xã hội.

Khương Cường