- Liên hoan âm nhạc cổ điển Việt-Mỹ
- Hòa nhạc Toyota 2016: Trở về miền cổ tích Nga
- Tài năng piano trẻ hội ngộ
Truyền “lửa” tới người yêu nhạc
- PV: Được chơi nhạc Nga tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, anh cảm thấy thoải mái, gần gũi hay cũng chịu những sức ép nhất định?
- Nghệ sỹ piano Vũ Ngọc Linh: Tôi luôn tìm thấy sự đồng cảm, gần gũi và thăng hoa tốt hơn khi chơi các bản nhạc Nga. Thế nhưng, sức ép với nghệ sỹ chơi đàn luôn được tạo ra từ nhiều hướng, từ khán giả, từ bản thân, từ phía đơn vị tổ chức… Ở chương trình này, tôi sẽ biểu diễn bản concerto số 2 của Rachmaninov, một tác phẩm rất lớn, phức tạp, chỉ cần một sự xao nhãng, một sự phân tâm nhỏ, mọi chuyện đã rất khác. Còn việc biểu diễn tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội lại càng áp lực hơn bởi đó là thánh đường nghệ thuật, là niềm mơ ước của mỗi nghệ sỹ.
- Dù vậy, việc biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, anh sẽ được tiếp thêm sức mạnh?
- Những lần chơi với dàn nhạc giao hưởng đều là những lần biểu diễn rất đặc biệt. Tiếng đàn của tôi không chỉ được nâng đỡ mà lúc đấy, tôi còn cảm thấy một ngọn lửa mãnh liệt cháy trong lòng, một cảm xúc rất khó diễn tả. Và tôi luôn muốn đem ngọn lửa đó đến với khán giả.
- Có sợi dây gắn bó với nước Nga, anh sẽ biểu diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc Rachmaninov thiên về cảm xúc nhiều hơn?
- Đúng vậy, tôi biết, để một tác phẩm thành công, yếu tố kỹ thuật và cảm xúc được đặt ngang bằng nhau. Nhưng với các chương trình lớn, phần lớn cả nghệ sỹ và khán giả sẽ đánh giá cảm xúc cao hơn. Và với một người chịu ảnh hưởng cũng như có sợi dây gắn bó với đất nước và con người xứ sở Bạch dương, khi chơi tác phẩm này, tôi sẽ thể hiện bằng tình cảm của một người Việt Nam yêu nhạc Nga.
Chưa từng có ý định ở lại nước ngoài
- Sau khi học tại Nga, anh đã sang Mỹ rồi Australia để tu nghiệp. Khi cơ hội đang rộng mở, sao anh lại chọn trở về quê hương?
- Tôi tu nghiệp ở nước ngoài rất lâu, được học các giáo sư nổi tiếng, biểu diễn tại các khán phòng lớn trên thế giới. Nhưng sau khi ra nước ngoài, được trải nghiệm sự phát triển của âm nhạc cổ điển thế giới, bản thân đã cóp nhặt chút vốn, chút kinh nghiệm, tôi muốn về Việt Nam để truyền lại cho thế hệ sau. Công việc của tôi hiện nay là giảng dạy tại Khoa Piano - Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ngoài ra, tôi còn muốn mang các kinh nghiệm của bản thân như buổi biểu diễn này để giúp khán giả thấy được vẻ đẹp của âm nhạc hàn lâm.
- Nhiều tài năng đã than phiền về chế độ đãi ngộ nhân tài, nhất là đối với nghệ sĩ tại Việt Nam. Anh không thấy thế sao?
- Tôi về Việt Nam công tác đã được 7 năm. Việt Nam đã gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. Đối với cá nhân tôi, tôi không để ý đến các yếu tố xã hội đem lại cho mình mà tôi quan tâm tới các yếu tố mình mang lại cho xã hội. Nghệ sỹ chúng tôi mong muốn được cống hiến, khi đã cống hiến sẽ không quan tâm tới việc nhận lại những gì.
- Hỏi thật nhé, anh có sống được bằng nghề không?
- Tôi khẳng định ngay, hiện nay, tôi sống rất ổn bằng nghề của mình.
- Anh đánh giá ra sao về cơ hội và thách thức của âm nhạc cổ điển Việt Nam?
- Cơ hội đối với âm nhạc cổ điển Việt Nam rất rộng mở do xã hội phát triển, kinh tế đi lên, thông tin đại chúng phát triển. Thông qua các buổi biểu diễn định kỳ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, các địa điểm nghệ thuật tại Hà Nội, cơ hội thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả là rất lớn. Còn về thách thức thì vẫn là sự quan tâm, lượng người thực sự yêu thích và có sự đồng cảm với âm nhạc cổ điển chưa được nhiều.
- Anh đã từng tham dự cuộc thi Vietnam Idol 2012. Ca hát có giúp cho tiếng đàn của anh thêm thăng hoa?
- Ca hát cũng có tác dụng khá lớn tới việc chơi đàn của tôi. Khi ca hát, có nghĩa tôi phải cố gắng thể hiện bản nhạc, khúc nhạc bằng giọng hát. Khi chơi đàn cũng vậy, tôi phải tìm cách đưa giọng hát, câu chuyện của mình đến với khán giả. Như vậy, ca hát và âm nhạc có sự đồng cảm rất lớn.
- Nếu bây giờ nhận được lời mời hấp dẫn sang nước ngoài làm việc, anh có đi nữa không?
- Trong suốt quá trình học tại nước ngoài, tôi chưa từng nảy sinh ý định sẽ ở lại nước ngoài. Ngay các bạn quốc tế cũng băn khoăn về điều này bởi nhiều người châu Á và người Việt Nam khi sang nước ngoài đều mong muốn ở lại nước sở tại. Nhưng tôi luôn trả lời họ rằng, tôi sang nước ngoài để học, khi đã tích lũy được kiến thức, tôi sẽ về nước để chia sẻ với người dân nước mình.
- Xin cảm ơn Vũ Ngọc Linh!
Nghệ sỹ violon Vũ Ngọc Linh sinh năm 1982. Anh theo học piano tại trường Năng khiếu âm nhạc Matxcova, sau đó theo học tại Mỹ và Australia. Vũ Ngọc Linh từng giành giải Nhất cuộc thi độc tấu piano với dàn nhạc tại Mỹ (2004), giải Nhì cuộc thi của Hiệp hội Giáo viên âm nhạc của New Jersey và Mỹ 2005)...