Nghệ sĩ vẫn phải chờ thẻ hành nghề

ANTĐ - Cấp thẻ rồi bãi bỏ, đưa vào dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang nhưng cho đến giờ, sau nhiều tranh cãi, “tấm vé thông hành” vẫn chưa đến tay nghệ sỹ. 

Nghệ sĩ vẫn phải chờ thẻ hành nghề ảnh 1Qua nhiều lần sửa đổi, việc cấp thẻ hành nghề vẫn chưa nhận được sự đồng thuận

Vẫn đang xem xét 

Trả lời xung quanh thông tin Bộ VH-TT&DL bãi bỏ dự thảo Thông tư quy định cấp thẻ hành nghề biểu diễn tại Việt Nam, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL cho biết, việc cấp thẻ chỉ mới được tạm dừng chứ không phải bãi bỏ vĩnh viễn.

Nguyên nhân là do có 15/26 thành viên của Chính phủ đề nghị chưa cấp thẻ hành nghề vào lúc này, do đó điều này đã không được đưa vào Nghị định 15 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 15-3-2016 vừa qua.

Bộ VH-TT&DL đã từng đưa ra dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Có 2 luồng ý kiến tranh cãi xung quanh “tấm vé thông hành” này. Một bên ủng hộ cấp thẻ để tăng cường quản lý Nhà nước đối với những nghệ sỹ không có khả năng về chất lượng nghệ thuật cũng như chuẩn mực hành vi ứng xử. Nhiều ý kiến trong giới nghệ sỹ cho rằng, việc có thẻ sẽ giảm những hiện tượng nhiễu nhương trong ngành giải trí, lành mạnh hóa hoạt động nghệ thuật và giảm thiểu cái gọi là “nghệ sỹ tự xưng”. 

Trái lại, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc cấp thẻ sẽ cản trở sự tự do sáng tạo. Tuy nhiên, cũng theo khẳng định mới đây của ông Ngô Hoàng Quân - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì việc cấp thẻ sẽ không siết chặt sự sáng tạo của các nghệ sỹ mà là một trong những yếu tố giúp khẳng định về trình độ, chuyên môn, nghề nghiệp. Ông Phan Đình Tân cũng khẳng định, “phải tăng cường quản lý Nhà nước khi chưa có thẻ hành nghề”. Nếu rà soát, kiểm tra mà vẫn cố tình vi phạm thì trách nhiệm phải thuộc  về các đơn vị tổ chức biểu diễn.  

Năm 1999, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho một số nghệ sỹ nhưng sau đó Chính phủ có Nghị định bãi bỏ việc này vì cho rằng đây là một dạng “giấy phép con”, quan điểm của Bộ  VH-TT&DL cho rằng, động thái này là theo xu hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạn chế “nhiều cửa”. 

Thế nào là phản cảm?

Cũng liên quan đến việc hành nghề biểu diễn, có nhiều thắc mắc xung quanh Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 24-3-2016, trong đó có quy định chi tiết về các hành vi mà người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và người đoạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện. Trong đó gồm việc “chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông”. Song, mức độ giữa “phản cảm” và “không phản cảm” vẫn mới chỉ là đánh giá cảm quan. 

Xung quanh chuyện người đẹp có một “khung thời hạn” được quyền chụp ảnh nude, đưa ảnh nude lên mạng sau khi đoạt giải hay không, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL khẳng định, những điều gì luật không cấm thì cá nhân được phép làm. Còn việc có đưa ảnh lên mạng không thì còn do sự điều chỉnh của bản thân và văn hóa ứng xử của người đó, và hành vi đó có bị xã hội có lên án hay không. Cũng trong một luồng ý kiến khác, khái niệm ảnh nude trong nghệ thuật hay ảnh khiêu dâm cũng còn rất nhiều tranh cãi, việc cụ thể hóa trong các quy định cũng là việc tương đối khó.