Nghệ sĩ Thế Hùng: “Tôi sống đàng hoàng bằng nghề của mình”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, kỷ lục gia là ngần ấy danh xưng danh vị gắn liền với nghệ sĩ Thế Hùng. Gặp Thế Hùng đúng lúc ông ra mắt cuốn “Tuyển tập Thế Hùng 2”. Bê cuốn sách nặng tới 4kg tặng cho mọi người, ông không quên dặn vui: “nặng đấy, khéo gãy tay”.

Cuốn sách nặng trịch được nghệ sĩ Thế Hùng chọn ra mắt đúng vào dịp sinh nhật tuổi 75 của mình. Có lẽ vì thế ông chọn 75 là con số bản lề xuyên suốt từ đầu đến cuối sách: dày 750 trang; gồm 75 bài thơ đã xuất bản trên báo và tạp chí; 75 ca khúc với nhiều bài đã phát sóng trên các kênh VTV, VOV, Youtube; 75 bức tranh; 75 bài phê bình nghệ thuật đã đăng trên các báo; 75 bài của đồng nghiệp viết về ông; 75 bức ảnh kỷ niệm với các văn nghệ sĩ, bạn bè; 75 bức tranh của các học trò mà ông từng đào tạo ở Trung tâm nghệ thuật mang tên mình…

Với người lần đầu gặp Thế Hùng, hẳn sẽ kinh ngạc với tài phóng bút của ông. Ở mỗi cuốn sách, không chỉ đề tặng mà ông còn nhoay nhoáy tự ký họa chân dung mình trong vòng vài giây và lạ nữa là chẳng bức nào giống bức nào. Cảm giác như ở người nghệ sĩ này, thời gian 24 tiếng mỗi ngày là không đủ, nên mọi thứ đều phải gấp gáp mới kịp, chả thế mà ngay từ tốc độ nói cũng nhanh gấp mấy bình thường, lại còn chả vấp chữ nào.

Trên bìa cuốn sách “Tuyển tập Thế Hùng 2” có ghi chú 4 chấm nhỏ tương ứng với các danh xưng mà ông được biết đến: Thơ; Nhạc; Họa; Phê bình nghệ thuật. Trước mỗi chấm đều có chung chữ “nhà”. Nhiều “nhà” thế nhưng Thế Hùng bảo vẫn thiếu một chấm nữa, đó là “nhà khoa học”. Tính đến thời điểm này, ông từng có tới 1.500 cuộc thuyết trình cho hơn 1.000 đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước về những chuyên đề có hàm lượng trí tuệ cao như: đạo đức người thầy, kỹ năng lãnh đạo, văn hóa giao tiếp học đường…Bắt được xu thế của thị trường, ông còn “lấn sân” sang viết cả sách giáo khoa và tới giờ đã viết được 22 cuốn, in tới 25.000 bản sách nói về kỹ năng sống, kinh nghiệm làm giàu, chăm sóc khách hàng, hạnh phúc gia đình…Điều thú vị ở chỗ, sách ông in đều do ông tự vẽ minh họa, tự biên tập từ A đến Z, gọi vui là “làm tất ăn cả”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc là một trong những người thích sưu tập tranh của Thế Hùng

Nhà sử học Dương Trung Quốc là một trong những người thích sưu tập tranh của Thế Hùng

Trong lần hiếm hoi nói về chuyện kiếm tiền, nghệ sĩ Thế Hùng thẳng thắn chia sẻ, ông sống được bằng nghề của mình và sống rất đàng hoàng, có nhà để ở, nhà để bày tranh, có xe ô tô…nói chung là không thiếu thứ gì. Nam nghệ sĩ bộc bạch, ông không dám nói mình giàu nhưng có một cuộc sống dễ chịu, không phải lo nhiều đến chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Người ta vẫn thường bảo “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng Thế Hùng bảo, ông lại nghĩ: “giỏi nhiều cái thì hỗ trợ được cho nhau”. Ví như ông sáng tác thơ xong thì phổ nhạc bài thơ đó thành ca khúc; rồi có những bức họa ông vẽ hoàn toàn bằng cảm xúc từ bài thơ, bảm nhạc mà mình viết ra…Có lẽ vì thế mà kho gia tài sáng tác của ông nếu tính đủ cả “thi ca nhạc họa” thì đếm cả ngày có khi chẳng hết, nào là 500 bài thơ, 150 ca khúc, 500 bức tranh…chưa kể hàng trăm bài phê bình về mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh. Nhiều ca khúc mà ông sáng tác được các ca sĩ tên tuổi thể hiện và đưa vào album như: “Mùa xuân quan họ”, “Em có về Tam Cốc quê tôi”, “Tình khúc mùa hè”…Riêng ca khúc “Em có về Tam Cốc quê tôi” mà ông viết về quê hương Ninh Bình, còn được chọn là một trong những bài hát hay nhất về vùng đất cố đố xưa của Việt Nam. Về hội họa thì nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là một trong những người nổi tiếng thích sưu tầm tranh của Thế Hùng.

Đầu tháng 7-2022 vừa qua, Thế Hùng mở cuộc triển lãm cá nhân trưng bày gần 100 trên tổng số 300 bức được ông vẽ trong khoảng thời gian 2 năm dịch Covid-19 hoành hành. Thế Hùng hào hứng kể, có lẽ cuộc triển lãm của ông là một trong những cuộc triển lãm tốn kém nhất từ trước đến nay vì chỉ riêng tiền khung đã lên tới gần cả tỷ đồng. Sở dĩ vậy bởi ông chọn làm khung từ gỗ sồi Nga được đục trạm thủ công theo mẫu của các bảo tàng trên thế giới, khung đắt nhất lên tới 13 triệu/ khung, còn rẻ nhất cũng rơi vào 5 triệu/khung.

Nam nghệ sĩ tiết lộ, ông lấy tiền bán tranh từ các lần trước để bù vào tiền đóng khung đắt đỏ cho 100 bức họa tại cuộc triển lãm này. Rồi tiền in cuốn “Tuyển tập Thế Hùng 2” cũng hoàn toàn từ tiền bán tranh sau cuộc triển lãm trên. Vậy là tính ra, ông lấy “mỡ nó rán nó”, thế nên chẳng đi đâu mà lỗ.

Thế Hùng tâm sự, ngày trước ông học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa đồ họa, học chủ yếu trình bày bìa, học xong thì vẽ bìa sách…sau ông tự mày mò chuyển sang vẽ tranh tạo hình, đầu tiên là vẽ trên chất liệu lụa, sau thì sơn mài, rồi lập xưởng sơn mài, bán “chạy kinh hoàng” toàn tranh khổ lớn.

Thế Hùng đã sáng tác được 150 ca khúc

Thế Hùng đã sáng tác được 150 ca khúc

Cũng chẳng hiểu ông phân bổ cuộc sống thế nào mà bận bịu với việc đi đó đây thuyết trình, rồi viết sách, làm thơ…nhưng ông vẫn có thời gian theo và tốt nghiệp lớp Sáng tác khóa 1 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1990. Khi ấy, người thầy chủ nhiệm của ông chính là nhạc sĩ Hoàng Vân, còn nhạc sĩ Văn Ký thì trực tiếp hướng dẫn ông sáng tác.

Sau khi ra mắt cuốn tuyển tập 2, Thế Hùng bảo, ông đã nghĩ tới cuốn tuyển tập 3 chứ chưa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi thảnh thơi. Có thể, ông sẽ vẽ tiếp cho tới khi chạm mốc 1000 bức tranh, rồi tiếp tục làm thơ, dạy nhạc, thuyết trình…cho tới bao giờ không còn sức để làm nữa thì mới thôi.