Nghề nhạc sĩ "Khi người ta trẻ"

(ANTĐ) - Trong số tháng 12, chương trình Khi người ta trẻ sẽ đề cập đến chủ đề "Nghề nhạc sĩ", với hai khách mời đặc biệt là nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ trẻ Nguyễn Dân.

Tháng 12-2008:

Nghề nhạc sĩ "Khi người ta trẻ"

(ANTĐ) - Trong số tháng 12, chương trình Khi người ta trẻ sẽ đề cập đến chủ đề "Nghề nhạc sĩ", với hai khách mời đặc biệt là nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ trẻ Nguyễn Dân.

Nhạc sĩ Dương Thụ là khách mời của chương trình
Nhạc sĩ Dương Thụ là khách mời của chương trình

Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 25/12/2008 trên kênh VTV6 và phát lại vào 20h30 ngày 1/1/2009.

Chỉ là một khuông nhạc, với 7 nốt nhạc. Nhưng có biết bao người đã từ đó làm nên những tác phẩm âm nhạc vĩ đại, còn mãi với thời gian. Nghề nhạc sĩ, một nghề thật kỳ lạ với rất nhiều câu chuyện, những niềm vui và nỗi đau cùng quyện với nhau, hóa thân trong những giai điệu và ca từ. Nhạc sĩ, người gắn tên mình với ca khúc người đứng sau cùng ê kíp trong hành trình từ nốt nhạc đến sân khấu biểu diễn. Nhưng chính từ những cống hiến lặng lẽ ấy, những tiếng hát mới dặt dìu vang lên trên khắp các sân khấu, lan tỏa khắp nơi và đọng lại trong tâm hồn biết bao người yêu nhạc Việt. Nghề nhạc sĩ với những dấu ấn thế hệ hôm qua và hôm nay, với những con đường riêng, không được phép lặp lại chính bản thân mình, với những lao động âm thầm, những kết nối với ca sĩ, và nhất là với khán giả. Tất cả những băn khoăn, những bức xúc của nghề nghiệp và cả những lo âu trăn trở của hai nhân vật, đại diện cho hai thế hệ nhạc sĩ sẽ được đề cập tới trong chương trình Khi người ta trẻ tháng 12.

Về khách mời của chương trình, nhạc sĩ Dương Thụ vốn đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu nhạc trong nước và không ít kiều bào xa Tổ quốc. Con đường theo nghiệp sáng tác của ông bắt đầu khá truân chuyên. Sinh năm 1943, tại Vân Đình, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), từ nhỏ nhạc sĩ Dương Thụ đã phải tự bươn chải kiếm sống để đi học. Thời đi học, ông theo học piano với nghệ sĩ Thái Thị Sâm tại trường âm nhạc tư thục của cụ Lưu Quang Duyệt tại Hà Nội. Năm 1965, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đồng thời đỗ đầu khoa sáng tác nhưng không được chuyển ngành. Năm 1972 ông lại thi đậu vào đại học sáng tác Nhạc viện Hà Nội, do những rắc rối về thủ tục hành chính không thể giải quyết được, đến đầu năm thứ hai đại học ông lại phải trở về Tuyên Quang.

Dương Thụ sáng tác từ khi còn là học sinh. Từ năm 1962-1972, ông viết liên khúc Những bài hát ru của tôi, gồm 12 bài, trong đó có: Bài hát ru mùa xuân, Bài hát ru mùa hè (bài 1 và bài 2), Bài hát ru mùa thu (bài 1 và bài 2), Ru trưa , Hầm sâu đưa võng ru con, Lời tôi ru ... Sau một thời gian dạy học ở Tuyên Quang, năm 1978, Dương Thụ vào Sài Gòn, giảng dạy tại trường Mỹ thuật và tham gia dạy lịch sử âm nhạc ở trường ĐH sân khấu & điện ảnh. Ông sáng tác vì niềm đam mê tìm tòi, khám phá và sáng tạo cái mới trong âm nhạc, chứ không phải mưu danh thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Ca khúc của Dương Thụ khúc chiết, trữ tình, có phong cách riêng, chắt lọc những tinh hoa của âm nhạc dân tộc và mang hơi thở của thời đại.

Năm 1980, ông chuyển sang hoạt động âm nhạc, vừa sáng tác vừa chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều đoàn Văn công chuyên nghiệp, rồi làm biên tập cho Nhà xuất bản Âm nhạc và Ðĩa hát Việt Nam, Tạp chí "Âm nhạc" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông thành công trong việc vận dụng những tiết tấu của chèo, chầu văn với những phách nhấn lệch, tạo nên sự bồng bềnh, xao động mang tính đặc trưng của Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp với tiết tấu hiện đại.

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Dân mong trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp
Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Dân mong trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp

Cùng tham gia "Khi người ta trẻ" tháng này còn có nhạc sĩ Nguyễn Dân. Anh sinh năm 1981 tại TP.HCM, trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc. Nguyễn Dân học đàn từ hồi cấp I ở nhà Thiếu nhi thành phố. Tuy nhiên do gia đình không có điều kiện cơ sở nên không khuyến khích con mình theo đuổi con đường trở thành nghệ sĩ. Nguyễn Dân đến với âm nhạc bằng niềm đam mê và tự học. Năm 1999, Nguyễn Dân vào học Đại học Văn hóa, khoa Quản lý Văn hóa. Trong quá trình học, anh được học một vài môn chuyên ngành, cung cấp thêm cho anh một số kiến thức về âm nhạc. Trong quá trình học, anh tham gia viết nhạc, chơi với ban nhạc, hình thành dần niềm đam mê với âm nhạc.

Nguyễn  Dân bắt đầu sáng tác từ năm 1998, khi anh học lớp 12. Những bài viết đầu tiên của anh là: Yêu đời, Tình xa (nhóm MTV trình bày)… Hiện nay số lượng bài công bố chỉ có trên đầu ngón tay: Chào buổi sáng (MTV), Đê mê, Chợt yêu (Minh Thư), Bước chân không trở lại (Thanh Ngọc), Tình yêu ngọt ngào (Song Huy)… Số lượng ca khúc anh viết khoảng hơn 20 bài. Nguyễn Dân có dịp cộng tác cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh, Đức Trí, đó là hai người có ảnh hưởng lớn với anh trong nghề. Công việc chính của anh hiện tại là nhà sản xuất âm nhạc. Dự định của Nguyễn Dân trong tương lai: muốn trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp và viết ra những bài hát được khán giả chấp nhận.

Phú Duy