Nghề gieo mầm thiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Mỗi lần chứng kiến phạm nhân được đặc xá, tha tù trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng là chúng tôi có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục hành trình của mình…” - Đại úy Trịnh Quốc Bảo, cán bộ Đội Quản lý phạm nhân, Trại tạm giam số 2 (CATP Hà Nội) chia sẻ…

Dùng tình người để cảm hóa phạm nhân

Ngày đặc xá, người ta thường thấy đủ các cung bậc cảm xúc ở trại tạm giam. Những giọt nước mắt, những nụ cười, những cái ôm, cái bắt tay giữa phạm nhân được đặc xá với người thân, với cả cán bộ quản giáo. Trong ngày đặc biệt ấy, Đại úy Trịnh Quốc Bảo cũng nao nao khi tiễn chân phạm nhân N.V.T ra khỏi cổng Trại tạm giam số 2. Anh bảo, đó là đoạn đường cuối cùng anh đồng hành với T. T năm nay đã 47 tuổi, từng là giám đốc một doanh nghiệp, nhưng phải bỏ lại bố mẹ già yếu cùng vợ con để chấp hành bản án 5 năm tù cho tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi bước chân vào trại, T được Đại úy Trịnh Quốc Bảo quản lý, giáo dục cải tạo. “Ngày đầu tôi rất sốc và tiêu cực. Nhờ Đại úy Trịnh Quốc Bảo dìu dắt, động viên, cảm hóa, dần dần tôi đã khôi phục ý chí, quyết tâm làm lại cuộc đời” - anh T chia sẻ.

Gắn bó với công tác quản giáo trại giam được 11 năm, Đại úy Trịnh Quốc Bảo luôn có một tâm nguyện là làm sao tất cả phạm nhân sau khi ra trại tìm được công việc ổn định

Gắn bó với công tác quản giáo trại giam được 11 năm, Đại úy Trịnh Quốc Bảo luôn có một tâm nguyện là làm sao tất cả phạm nhân sau khi ra trại tìm được công việc ổn định

Suốt quá trình cải tạo, anh T đã trở thành phạm nhân mẫu mực, giúp việc cho cán bộ cùng các phạm nhân khác cải tạo tiến bộ, gương mẫu để phạm nhân khác noi theo. Nhờ nỗ lực đó, năm nay anh T được đặc xá tha tù trước thời hạn. Tiễn chân ra khỏi trại, biết bố mẹ anh T đang ốm, Đại úy Bảo gửi quà thăm hỏi và dặn dò “đường đi nước bước” để hiện thực hóa những dự định sắp tới sau khi hòa nhập với cộng đồng. “Khi phạm nhân đã trả hết án và về với gia đình, với xã hội, bản thân mình là quản giáo cũng lưu luyến chứ. Nhưng trên hết, mình cũng tự hào bởi đã đồng hành cùng họ, thúc đẩy giúp họ hướng thiện” - Đại úy Trịnh Quốc Bảo nói sau khi nhìn anh T bước ra khỏi cổng trại.

Nỗ lực trong mọi nhiệm vụ

Nhớ lại quãng thời gian ở Trại tạm giam số 2, ký ức không thể nào quên đối với Đại úy Trịnh Quốc Bảo có lẽ là trận bão Yagi (cơn bão số 3) lịch sử. Cũng giống như bên ngoài, công tác phòng chống lụt bão là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho phạm nhân và tài sản của Trại tạm giam. Yagi là cơn bão có cường độ rất mạnh, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, có khả năng tác động trực tiếp đến cơ sở hạ tầng của trại. Trước diễn biến phức tạp của siêu bão, Đại úy Trịnh Quốc Bảo đã phổ biến cho các phạm nhân về nguy cơ ngập úng trong trại và sau đó cùng đồng đội huy động nhân lực, vật lực, chủ động phòng chống nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do cơn bão gây ra.

Tuy nhiên, sức người vẫn quá nhỏ bé trước thiên tai. Một số cây cối, mái nhà, tường rào của Trại tạm giam số 2 vẫn bị thiệt hại khi bão tràn tới. Vừa phát áo mưa và thiết bị bảo hộ cho phạm nhân, Đại úy Trịnh Quốc Bảo vừa khơi thông hệ thống thoát nước, nạo vét cống rãnh, chống ngập úng. Điều tối quan trọng trong thời gian này của các quản giáo là vừa phải chống bão, vừa phải đảm bảo an ninh, an toàn cho trại, không để phạm nhân lợi dụng vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. “Cơn bão mạnh quá, công tác phòng chống chỉ được phần nào. Nước ngập đến sàn buồng giam, chúng tôi phải trực 24/24 để di chuyển phạm nhân đến các buồng an toàn khác” - Đại úy Trịnh Quốc Bảo kể lại.

Trận bão lịch sử này cũng là ký ức không quên đối với Đại úy Trịnh Quốc Bảo bởi vì nó mà suýt… gặp hạn. “Để phòng chống bão, 10 ngày liền chúng tôi không được về nhà. Trong lúc đi kiểm tra các buồng giam, các điểm thoát úng, dù đã đội mũ bảo hiểm nhưng khi bước ra tôi bỗng nghe “ầm” một tiếng. Giật mình nhảy lùi lại thì một cây giáng hương bị gió quật đổ ngay trước mặt. Chỉ chậm một bước chân thôi là tôi đã bị cây đổ trúng người. “Đứng hình” mất vài phút, tôi chạy vội lên phòng một lát mới hoàn hồn” - Đại úy Trịnh Quốc Bảo nhớ lại. Tuy nhiên, sau khi định thần lại thì anh tiếp tục hành trình chống bão. Đến bây giờ, khi cơn bão đã đi qua, kể lại giây phút thoát khỏi tử thần khi đó, anh vẫn đùa: “Chắc cú cây đổ hút chết ấy, tôi được các cụ gánh còng lưng”.

Không chỉ được các phạm nhân yêu mến, cảm phục, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của Đại úy Trịnh Quốc Bảo cũng được Ban Giám thị đánh giá cao. Thượng tá Nguyễn Xuân Nam - Phó Giám thị Trại tạm giam số 2, chia sẻ: “Trong cơn bão số 3 vừa qua, Đại úy Trịnh Quốc Bảo rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm để tập trung phòng chống bão lụt, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do bão gây ra. Đồng chí cũng am hiểu sâu sắc về công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân. Những năm qua, đã tích cực tham mưu cho Ban Giám thị Trại tạm giam số 2 các giải pháp giáo dục cho can phạm, phạm nhân tại cơ sở”.

Công tác quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân là công việc đặc biệt. Theo đó, mỗi người cán bộ quản giáo phải là một người thầy “gieo mầm thiện” cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương

Công tác quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân là công việc đặc biệt. Theo đó, mỗi người cán bộ quản giáo phải là một người thầy “gieo mầm thiện” cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương

Xua đi bóng tối

Gắn bó với công tác quản giáo trại giam được 11 năm, Đại úy Trịnh Quốc Bảo luôn có tâm nguyện là làm sao tất cả phạm nhân sau khi ra trại tìm được công việc ổn định. Trong một môi trường toàn các đối tượng vi phạm pháp luật, điều quan trọng nhất là phải giáo dục để họ hướng đến nghề nghiệp, rèn luyện bản lĩnh, thay đổi nhận thức để sau này không tái vi phạm, tiếp tục đi vào con đường sai trái.

“Nếu nói nhà tù là công cụ đấu tranh, trấn áp kẻ phạm tội, thì giáo dục và cải tạo là liều thuốc nhiệm màu để gột rửa những lỗi lầm của họ, thổi bùng lên ngọn lửa hướng thiện của con người. Chính vì thế, người ta mới nói nghề quản giáo trại giam là nghề giáo dục lại. Chúng tôi luôn cố gắng nắm bắt tâm lý của từng phạm nhân để chia sẻ và đồng cảm với họ. Bởi chỉ có thấu hiểu từng hoàn cảnh của phạm nhân thì mới giúp họ phục thiện một cách hiệu quả nhất” - Đại úy Trịnh Quốc Bảo nói.

Đối với tất cả phạm nhân, thời gian đầu vào trại là thời gian khó khăn nhất. Đặc biệt, các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có gia đình, bố mẹ mất, bố mẹ ly hôn không thường xuyên đến thăm nên tâm lý bất ổn. “Thời gian đầu nhiều người giữ thói quen ngông cuồng, bất chấp nên bước đầu chúng tôi phải mềm mỏng, vừa tuyền truyền, giáo dục nội quy, quy định, vừa trấn an tâm lý, sau đó mới giáo dục, răn đe” - Đại úy Trịnh Quốc Bảo cho hay.

Công tác quản lý, giáo dục với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân là công việc đặc biệt. Theo đó, mỗi người cán bộ quản giáo phải là một người thầy “gieo mầm thiện” cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương. Bằng lòng nhân ái và sự bao dung của mình, rất nhiều mảnh đời lầm lỗi đã phục thiện nhờ sự rèn giũa, chia sẻ, động viên của Đại úy Trịnh Quốc Bảo. Sự tận tâm của cán bộ quản giáo như Đại úy Trịnh Quốc Bảo tại Trại tạm giam số 2 đã kịp thời giúp cho nhiều can phạm nhân từ bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản, nhận thức đúng về hành vi phạm tội của mình, hợp tác với cơ quan chức năng, yên tâm chấp hành án để tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, năm 2023, anh đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở. Năm 2024, anh được trao tặng Giấy khen của CATP Hà Nội về gương điển hình tiên tiến về sự tận tụy.

Có lỗi lầm thì phải trả giá, đó là quy luật nhân quả. Nhưng điều quan trọng nhất là nhìn ra con đường hướng thiện, có ý thức sửa chữa sai lầm. Giống như cơn giông bão đi qua, trời sẽ hửng nắng. Và để phạm nhân bước qua được bóng tối của tội lỗi, cần có những người thầy nhiệt tâm như Đại úy Trịnh Quốc Bảo.