Ngày xuân chìm trong ký ức xưa với những hình ảnh một thời Hà Nội

ANTD.VN - "Hà Nội một thời" là tên cuốn sách ảnh của tác giả John Ramsden. Những bức ảnh đầy cảm xúc được chụp trong những năm 80 của thế kỷ trước mang chúng ta trở về Hà Nội của ngày ấy và sống lại trong ký ức với phố xưa và người xưa...

Một bức tranh cổ động lớn ở Hà Nội năm 1981. Đây là thời điểm cùng lúc xây dựng CNXH và tiếp tục công cuộc bảo vệ biên giới phía Bắc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Tây Nam nên kinh tế có nhiều khó khăn. Đó cũng chính là tiền để để đại hội sau đó 5 năm sẽ mở ra cuộc Đổi Mới (1986)

Cứ mỗi độ chuẩn bị đón tết, dọc phố Hàng Lược lại họp chợ hoa. Từ Hàng Lược ra Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân hay nối dài ra Hàng Rươi, kéo đến đầu Hàng Đồng. Hoa chủ yếu là đào và quất gắn liền với những làng hoa nổi tiếng như Ngọc Hà, Nhật Tân mà nay không còn nữa. Đến nay chợ hoa Hàng Lược là một trong những chợ truyền thống lâu đời của Thủ đô, thu hút nhiều khách quốc tế.

Một trong những địa điểm chụp ảnh đẹp nhất quanh hồ Gươm chính là cổng đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc cong cong đón nắng ban mai. Thiếu nữ thời đó thời trang giản dị với áo cánh trắng xắn tay, nón trên đầu và mái tóc cắt lửng...

Niềm vui của đứa trẻ khi câu được con cá trên hồ Đồng Nhân, trước đền thờ Hai Bà Trưng. Hà Nội ngày xưa nhiều hồ nên người câu cá cũng đông, có cả trẻ con và người lớn. 

Trên thùng xe ghi rõ “4 tấn/55 người”, nhưng xe bao giờ cũng chở quá tải. Chạy trong thành phố mới gọi là xe buýt, chỉ là xe nội địa, nhập máy từ Đông Âu hay Liên Xô rồi đóng vỏ tại các nhà máy như Hoà Bình, Ngô Gia Tự 1-5...Loại xe ca sang trọng nhất là Hải Âu chỉ để chở người của nhà nước hay văn công...

Có được cái xe đạp đã khó, mua được phụ tùng thay thế càng không dễ. Đôi khi xảy ra nghịch lý: xe đạp của mình có cỡ vành 650mm lại được phân phối cỡ lốp 680mm. Nên mới có dịch vụ “rút lốp”: căt ngắn cái đai bằng thép ở mép lốp (tanh) rồi tút ngắn cho vừa với vành...

Xếp hàng mua rau, củ, quả - loại thực phẩm không cần đến tem phiếu tại một cửa hàng của hợp tác xã mua bán hay mậu dịch mở trong phố. So với nay có hai điều hơn hẳn: xếp hàng trật tự và chắc chắn là rau sạch...

Chân dung hoạ sỹ Bùi Xuân Phái mà công chúng ái mộ gọi là “Phái – Phố”, cũng như những phố cổ chuẩn của Hà Nội phải gọi là “Phố - Phái”

Những cổng làng cổ kính quá đẹp thể này vốn có rất nhiều ở các làng quanh Hà Nội. Nhưng nó cũng bị huỷ hoạt nhiều, không  phải vì bom đạn chiến tranh mà đôi khi vì sự vô tình, xu hướng đô thị hoá...

Phía sau toa tàu điện ngày xưa có những cái móc để các vị khách là nông dân vào nội thành buôn bán có thể treo quang thúng. Nông thôn tập thể hoá nên ít hàng hoá mang ra phố. Phía sau các toa tàu là chỗ cho bọn trẻ nghịch ngợm...

Những bức ảnh quý này đang được trưng bày tại Phố Sách xuân Đinh Dậu 2017 tại phố Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.