Ngày mai, một quy định "hành" doanh nghiệp chính thức hết hiệu lực

ANTD.VN - Từ ngày mai, 10-2 việc bãi bỏ các quy định trong thủ tục dán nhãn năng lượng đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.

Thông tư 36/2016/TT-BCT (Thông tư 36) thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng (Thông tư số 07) sẽ bãi bỏ các quy định gây khó cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, Thông tư mới quy định thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Theo đó sẽ áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Thông tư mới cũng cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).

Cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.

Thông tư 36 cũng bãi bỏ toàn bộ Chương II Thông tư số 07 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm. Thay vào đó, đưa vào khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư 36 quy định tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng bao gồm các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài được công nhận theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).

Căn cứ để thử nghiệm, đánh giá hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị là các TCVN hoặc các quy định của Bộ Công Thương tương ứng.

Như vậy, trình tự thủ tục chứng nhận tổ chức thử nghiệm trong nước sẽ được thực hiện theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP. Đối với các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công Thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận. Các doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương.

Thông tư 36 cũng bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất; hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân.

Bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng điện tử, theo đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường.

Doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ online, dịch vụ công ở mức độ 4 xử lý hoàn toàn trên mạng, hoặc gửi hồ sơ về Bộ Công Thương qua đường bưu điện.

Đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục năng lượng - Bộ Công Thương), Vụ trưởng Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường.