“Mẹ ơi, bạn Dũng học chung lớp với con buổi trưa không ngủ để học bài. Bạn Mai, bạn Thúy thì chiều ba mẹ đón trễ để cô giáo dạy học thêm”. Cậu con trai 4 tuổi đang học một trường mầm non quốc tế tại TP.HCM của chị Hương líu lo kể.
Ảnh minh họa càng ngày trẻ em càng bị ép học nhiều. Ảnh: Thanh Huyền |
Choáng với bạn của con
Vẫn biết trẻ con cho học sớm quá là không nên nhưng từ ngày nghe con kể chuyện chị Hương đâm suy nghĩ.
Chị về bàn bạc với chồng: “Con còn bé, học trường quốc tế học phí đã cao hơn trường bình thường rất nhiều rồi. Em cứ nghĩ với giá tiền đó người ta đã dạy đủ cho con mình những thứ tốt nhất. Vậy mà tại sao bé Bo nhà mình về kể các bạn được cô kèm học thêm nhỉ? Thôi để chiều đi đón con em hỏi cô xem sao!”
Hôm nay, chị Hương không đợi ở ngoài cổng mà vào hẳn trong lớp đón con. Bạn bè học chung lớp làm chị sửng sốt suýt té ngửa.
Bé Dũng quay ra khoanh tay lễ phép chào khách, không quên kèm theo những câu hỏi xã giao mà thông thường một đưa trẻ 10 tuổi chưa chắc đã nói được – “Con chào cô ạ. Cô dạo này khỏe không, công việc có tốt không ạ? Ôi, mẹ bạn Bo đẹp quá!”
Nói đoạn, cậu bé chạy ra ngồi vào máy tính, lên mạng gõ chữ, lướt web đọc báo.
Quay sang góc lớp, chị Hương thấy bé Mai đang ngồi nắn nót tập viết chữ.
Mồ hôi tứa ướt trán, chị tìm cô Ngọc, giáo viên của con để hỏi chuyện.
“Ôi cô giáo ơi, sao các bạn của Bo giỏi thế, biết đọc, biết viết, biết lướt web còn Bo nhà em mới chỉ vẽ được vài chữ như gà bới.”
Cố làm cho phụ huynh yên tâm, cô Ngọc từ tốn giải thích, bé Bo phát triển và nhận thức như vậy là bình thường và học theo đúng chương trình.
“Ở lớp, có một số bé vượt trội lên là do cha mẹ bé gửi gắm, ép các bé học” – cô nói thêm.
Lịch học siêu khủng
Cô Ngọc nói tiếp – “Chẳng hạn như bé Dũng chị vừa thấy. Ba là người Hoa nên bé biết nói tiêng Trung. Bé không chỉ biết nói thứ tiếng phổ thông của Trung Quốc mà còn nói được cả tiếng Quảng Đông. Mẹ của Dũng muốn bé phải biết đọc, viết tiếng Việt sớm vì hết năm sau bé sẽ qua Mỹ định cư. Chị ấy sợ qua bên kia Dũng sẽ quên mất tiếng bản xứ. Ngoài việc chú trọng học tiếng Việt, mẹ Dũng còn ép bé học với giáo viên nước ngoài 3 buổi mỗi tuần. Chính vì thế Dũng nói tiếng Anh…siêu lắm. Ngoài ra, một số bé khác thay vì 17h tan trường thì được cha mẹ xin cho về trễ thêm 1 tiếng. Trong thời gian đó, cha mẹ muốn các bé tập viết chữ. Có phụ huynh mời luôn cô giáo về nhà phụ đạo cho con mình. Nhưng chị cứ an tâm, con của chị hoàn toàn bình thường so với tuổi của bé. Chị đừng lo lắng ép bé học sớm quá cũng không tốt.”
Dù được cô giáo giải thích con mình vẽ chữ như gà bới và chưa biết đọc là hoàn toàn bình thường, nhưng chị Hương vẫn thấy lo lắm. Tối về nhà, chị quyết định gọi điện thoại cho một phụ huynh tên Tâm có con học chung lớp với bé Bo để hỏi thăm.
Nghe chị Tâm tâm sự, chị Hương choáng vì chỉ cho con học chương trình ở lớp. Chị lo lắng, sợ, hè năm sau vào lớp 1 sao theo kịp các bạn.
Bé Đức, bạn của Bo, đi học đến 6h chiều mới được mẹ đón. Mẹ còn nhờ cô giáo kèm tiếng Việt thêm mỗi ngày 1 tiếng.
Ngoài ra, chị mướn giáo viên nước ngoài 1 tuần về nhà kém tiếng Anh cho con 3 buổi, mỗi buổi bồi dưỡng cô 20 USD.
Mẹ bé còn rủ chị Hương, tìm xem có chỗ nào học vẽ, học bơi cho Bo thì bảo bé Đức đi học cho vui.
Nghe chuyện, hai vợ chồng chị Hương cuống quýt, dự tính có lẽ phải cho con học thêm để chắc ăn.
Học sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé
Tình trạng phụ huynh vì lo xa mà ép con học thêm từ lứa tuổi mầm non không phải là hiếm.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM cho biết, theo đúng chương trình đào tạo của mầm non thì khi 4 tuổi, các bé mới chỉ biết vẽ chữ cái, đến 5 tuổi các bé mới được viết những đường nét cơ bản.
Ở tuổi lên 4, bé chỉ vẽ chữ giống như tạo hình vì vận động tinh còn kém, khó có thể viết chữ theo đúng ô li. Nếu bắt ép bé tập viết, học quá sớm sẽ không tốt cho sức khỏe của bé. Điều này sẽ làm mệt thần kinh, bé dễ bị vẹo cột sống, hại mắt do tư thế ngồi chưa đúng...
Ngoài ra, theo bà Thanh hiện nay lớp 1 không còn phải thi đầu vào và xếp thứ hạng nữa, hệ tiểu học cũng không còn phải thi tốt nghiệp mà chỉ làm một bài kiểm tra bình thường.
Tại những trường quốc tế, đầu vào lớp 1 lại càng dễ. Chính vì vậy các phụ huynh cứ yên tâm không cần cho con học trước. Những bé được học trước chưa hẳn đã tốt vì khi nhập học sẽ có tâm lý chủ quan, lơ là.
Theo Vietnamnet