Ngăn “hiệu ứng domino” từ vụ sụp đổ SVB trên thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính quyền Mỹ cùng các nền kinh tế và định chế tài chính lớn trên thế giới đang nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng lớn của Mỹ, ngăn phản ứng dây chuyền trên thị trường tài chính toàn cầu, thậm chí có thể cả nền kinh tế thế giới.

Những nguy cơ với thị trường tài chính

Những dư chấn từ vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở nước Mỹ vào ngày 10-3 vừa qua vẫn tiếp tục xảy ra tại cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới này cũng như thị trường tài chính toàn cầu. Đáng lo ngại là chỉ 2 ngày sau sự sụp đổ của SVB, ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở bang New York cũng buộc phải đóng cửa.

Mỹ và thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank

Mỹ và thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank

Signature Bank có tổng bảo hiểm tiền gửi là 89,17 tỷ USD tính đến ngày 8-3, trong khi tổng tài sản của ngân hàng này tính đến ngày 31-12-2022 là khoảng 110,36 tỷ USD. Signature Bank là ngân hàng thương mại có các văn phòng khách hàng tư nhân tại New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina, với 9 dòng kinh doanh như buôn bán bất động sản và ngân hàng tài sản kỹ thuật số… Đây cũng là ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ buộc phải đóng cửa sau các vụ sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual năm 2008 vào thời kỳ “đen tối” của khủng hoảng tài chính và SVB trước đó chỉ 2 ngày.

Hai vụ đổ vỡ ngân hàng liên tiếp đã khiến đồng USD sụt giảm. Chỉ số đồng USD - thước đo giá trị USD trong rổ tiền tệ chính - đã giảm 0,153% xuống 104,080 vào ngày 13-3. Trong khi đó, đồng yên của Nhật tăng 0,34% lên 134,52 yên đổi 1 USD, mức cao nhất trong 1 tháng qua, trong bối cảnh nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn. Đồng euro tăng 0,44% lên 1,069 euro đổi 1 USD, trong khi đồng bảng Anh tăng 0,47% lên mức 1,2085 USD đổi 1 bảng... Trên thị trường tiền điện tử, đồng bitcoin tăng 11,12% lên 22.330 USD. Đồng ethereum tăng 12,12% lên 1.598,90 USD.

Sự sụp đổ của Signature Bank và SVB - với tài sản 209 tỉ USD và 175,4 tỉ USD tiền gửi tính đến cuối năm 2022; chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp tại Silicon Valley - đã khiến các doanh nghiệp tại thung lũng công nghệ nổi tiếng này cũng như nhiều doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp khác trên thế giới như “ngồi trên lửa”. Dư chấn từ thị trường tài chính Mỹ đã nhanh chóng lan sang Âu cũng như toàn cầu, theo nhận định của hãng tin AP.

Theo đó, từ các nhà sản xuất rượu vang ở bang California của Mỹ đến các công ty khởi nghiệp ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng và đang tìm kiếm biện pháp xử lý sau khi ngân hàng của họ đột ngột dừng hoạt động. Không chỉ doanh nghiệp mà cả nhân viên của họ cũng hết sức lo lắng bởi tiền lương có thể chịu tác động vì cuộc khủng hoảng. Nhiều khách hàng của SVB là công ty khởi nghiệp, họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD, trong ngân hàng này để điều hành công ty và trả lương nhân viên.

Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố tài sản của SVB tại nước này sẽ được bán để trả cho các chủ nợ. Trong khi đó, theo trang Bloomberg, cổ phiếu của các ngân hàng ở châu Á cũng sụt giảm do cuộc khủng hoảng SVB. Tuy nhiên, rủi ro đối với khu vực này được cho là sẽ không lớn nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh hơn, khách hàng của các ngân hàng đa dạng và chất lượng tài sản được cải thiện...

Hãng tin Reuters ngày 12-3 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ mọi tác động từ cuộc khủng hoảng SVB đối với các thị trường trong nước. Tại Ấn Độ, một số công ty khởi nghiệp như Bluestone, PayTM, One97 Communications & Bharat Financial Inclusion đang lo ngại số tiền gọi vốn của họ có thể bị mắc kẹt trong SVB, từ đó dẫn tới cuộc khủng hoảng tiền mặt và buộc họ cắt giảm chi phí, trì hoãn các dự án hoặc sa thải nhân viên.

Nỗ lực ngăn chặn những tác động tiêu cực

Nhằm ngăn chặn những tác động dây chuyền tiêu cực từ sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng SVB và Signature Bank, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như chính phủ nhiều nền kinh tế và định chế tài chính lớn trên thế giới đang nỗ lực có các biện pháp trấn an, can thiệp. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-3 cho biết, ông đã ra lệnh cho Bộ Tài chính và các cố vấn kinh tế của mình giải quyết các vụ SVB và Ngân hàng Signature sụp đổ. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết thêm, sẽ có các biện pháp giúp củng cố hệ thống ngân hàng mà Washington đang thực hiện.

Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), chuyên bảo vệ các khoản tiền gửi lên tới 250.000 USD, cho biết, công ty này chịu trách nhiệm về khoảng 175 tỷ USD đang được gửi tại ngân hàng lớn SVB. Các chi nhánh của ngân hàng mở cửa trở lại và khách hàng có tiền gửi được bảo hiểm sẽ có quyền tiếp cận tiền của họ từ ngày 13-3, đồng thời cho biết thêm rằng số tiền thu được từ việc bán trái phiếu của ngân hàng sẽ được chuyển đến những người gửi tiền không được bảo hiểm. Một nguồn thạo tin cho biết, FDIC đang tìm kiếm một ngân hàng khác có thể sáp nhập với SVB nhằm cứu vãn tình hình. Theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm tiền gửi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý ngân hàng để ứng phó với những tác động liên quan vụ SVB phá sản. Bà Janet Yellen nêu rõ, một gói cứu trợ lớn không nằm trong số các biện pháp đang được cân nhắc, song nhấn mạnh nhà chức trách tập trung vào việc bảo vệ người gửi tiền và cố gắng đáp ứng những nhu cầu của họ.

Giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận mua lại SVB quá lớn để có thể đạt được trong thời gian gấp rút, nên các bên mua tiềm năng có thể sẽ yêu cầu các điều khoản đảm bảo đặc biệt hoặc tiền phụ trợ đi kèm. Hiện, tổ chức tài chính Santa Clara có trụ sở tại bang California với khối tài sản trị giá 209 tỷ USD được cho là một trong số những đối tác tiềm năng mua SVB. Hãng tin chuyên về tài chính Bloomberg cho biết, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đang cân nhắc việc thành lập quỹ mới nhằm cho phép nhà chức trách có thể hỗ trợ thêm tiền gửi đối với những ngân hàng gặp khó khăn sau vụ SVB sụp đổ.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Anh đang chuẩn bị biện pháp can thiệp mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ giảm thiệt hại do sự sụp đổ của SVB. Chính phủ Anh đã đưa ra một kế hoạch dự phòng để hỗ trợ các công ty có tiền gửi bị mắc kẹt trong các ngân hàng có rủi ro cao. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt dù loại trừ khả năng cứu trợ SVB Anh, nhưng cho biết sẽ tập trung vào việc giữ dòng tiền chảy vào các nhóm công nghệ. Nếu người mua không thể được đảm bảo, các quan chức chính phủ và cơ quan quản lý sẽ thực hiện kế hoạch giải cứu nhằm cung cấp bảo lãnh cho các ngân hàng có gói tín dụng mới cho các công ty có tiền bị khóa trong SVB Anh. Cơ quan quản lý tài chính Anh đã thảo luận với các ngân hàng việc tham gia chương trình này và các ngân hàng có thể nhanh chóng tiếp nhận khách hàng mà không cần thực hiện các quy tắc thông thường về thẩm định khách hàng. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được hoàn thiện.

Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar triệu tập cuộc họp với các công ty khởi nghiệp để thảo luận tác động sau sự sụp đổ của SVB. Bộ trưởng Rajeev Chandrasekhar nhấn mạnh tầm quan trọng của các công ty khởi nghiệp đối với nền kinh tế mới của Ấn Độ và cho biết sẽ gặp các công ty khởi nghiệp Ấn Độ để nắm rõ tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ cũng như cách thức chính phủ có thể hỗ trợ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, đang theo dõi sát các tác động tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ đến sự ổn định tài chính, đồng thời tin tưởng chính phủ Mỹ sẽ có các biện pháp quản lý thích hợp. Người phát ngôn của IMF ra tuyên bố bày tỏ, “hoàn toàn tin tưởng rằng các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ sẽ có các bước đi thích hợp nhằm giải quyết tình hình”.