Ngân hàng trung ương châu Âu mắc sai lầm lớn trong cuộc chiến kinh tế với Nga

ANTD.VN - Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể khiến EU rơi vào cuộc suy thoái lớn vì những bước đi sai lầm của mình trong cuộc chiến kinh tế với Nga.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã mắc sai lầm lớn trong cuộc chiến kinh tế với Nga, và hiện nay EU đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái sâu sắc, nhận xét nói trên được tờ Bloomberg đưa ra.

Lạm phát ở Liên minh châu Âu hiện đã lên tới 8,1%, cao hơn dự kiến, nhưng trong suốt thời gian qua Ngân hàng Trung ương châu Âu không có bất kỳ hành động quyết đoán nào.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự, họ đã tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát gia tăng.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng ECB không nên đứng ngoài lề nữa, nhưng nhiệm vụ của họ giờ đây đã trở nên khó khăn hơn nhiều do cuộc chiến kinh tế với Nga.

“Nhiệm vụ của ECB - nói một cách nhẹ nhàng, ngày càng trở nên phức tạp. Các nhà lãnh đạo EU cho biết họ đã đồng ý với lệnh cấm nhập khẩu một phần dầu của Nga. Việc hạn chế nguồn cung sẽ gây ra một cú sốc kinh tế khác, giữ giá cao ở châu Âu và làm tăng nguy cơ lạm phát".

Giờ đây, tình thế tiến thoái lưỡng nan của ECB tương tự như những gì được ghi nhận tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh: chính sách tiền tệ không thể khắc phục hoàn toàn tình hình, và đơn giản là không có cách nào dễ dàng để trừng phạt Nga.

Đồng thời, Mỹ và Anh vẫn tăng lãi suất, từ chối nói về lạm phát "chuyển tiếp". Trước tình hình trên, tờ Bloomberg viết rằng ECB đang bị tụt lại phía sau khi giữ lãi suất ở mức âm 0,5%.

“Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã sai trong cách tiếp cận của mình đối với lạm phát và điều này cần phải được thiết lập lại. Thông điệp mới nhất của ECB cho thấy lần tăng lãi suất đầu tiên sẽ chỉ bằng một phần tư so với cuối tháng 7/2021".

"Với lạm phát đã ở mức trên 8%, chính sách hiện tại của ECB đang hỗ trợ nhu cầu bổ sung ngày càng liều lĩnh trong nền kinh tế", các nhà phân tích của tờ Bloomberg cho biết.

Rõ ràng ECB không muốn giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng cái giá phải trả cho điều này có thể sẽ quá cao, các chuyên gia viết. Trong một tương lai không xa, Liên minh châu Âu có nguy cơ đối mặt với một cuộc suy thoái sâu do các biện pháp chậm được thực hiện.

“Tất nhiên, ECB có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hay Ngân hàng Trung ương Anh. EU phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn năng lượng của Nga, vì vậy càng có nhiều lý do cho sự gia tăng lạm phát ở Liên minh châu Âu”, bài báo viết.

Ngoài ra, điều kiện kinh tế ở các nước khu vực đồng Euro rất khác nhau, tỷ lệ lạm phát ở mỗi quốc gia cũng vậy. Để so sánh: ở Pháp, giá cả đang tăng khoảng 5,8% mỗi năm, ở Đức là 8,7% và Estonia là 20,1%.

Do đó, một chính sách tiền tệ đúng đắn ở quốc gia này sẽ có thể không được chấp nhận ở quốc gia khác. Tình hình cũng phức tạp bởi các khoản nợ công của những thành viên EU khác nhau về mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Một số nước EU có vấn đề nợ công kinh niên, trở nên trầm trọng hơn do các chi phí liên quan đến đại dịch. Điều này khiến việc tăng lãi suất trở nên nguy hiểm hơn và hậu quả khó lường. Tuy nhiên, lạm phát cao đòi hỏi phải thiết lập lại", tờ Bloomberg nói.

Các nhà phân tích nhấn mạnh: "Ngân hàng Trung ương châu Âu cần khẩn trương suy nghĩ lại cách tiếp cận hoạt động và ngay lập tức tăng lãi suất, nếu không châu Âu sẽ chìm trong suy thoái sâu trong thời gian tới".