Ngân hàng Nhà nước: Tăng trưởng tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản vượt cả năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư nợ kinh doanh bất động sản tăng vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm đến 65%), cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường.

Điều hành chính sách tiền tệ khó khăn chưa từng có

Sáng nay (22/8), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch Covid-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác.

Thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Phía NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, có các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại.

“Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế”, ông Tú nói.

Vì vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Hiện nay, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng. Nhưng thực tế, các ngân hàng không thể lỗ. “Ngân hàng rất khác doanh nghiệp, chỉ có lãi ít, lãi nhiều chứ không thể lỗ, vì nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy” – Phó Thống đốc nói.

Khó khăn đã được tháo gỡ phần nào

Báo cáo tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, mặc dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu, song tín dụng nền kinh tế 07 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022.

Điều này, theo bà Hà Thu Giang, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Trong đó, đầu tiên là tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm do các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến cầu tín dụng giảm.

Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Ngoài ra, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả dẫn đến TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Đặc biệt, khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản suy giảm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm.

Theo NHNN, dư nợ kinh doanh bất động sản (BĐS) trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án” – bà Giang cho biết.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh đó, đại diện NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Bà Hà Thu Giang cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế...