Ngân hàng lo nợ xấu ngày càng “xấu” vì cơ chế xử lý nhiều vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nợ xấu đang tăng nhanh và vẫn tiếp tục tăng trong khi hành lang pháp lý xử lý còn quá nhiều vướng mắc.

Nợ xấu các ngân hàng rất đáng lo ngại

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trung bình khoảng 6,3 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276,5 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 - 2016.

Dù vậy, trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước gần đây khiến khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, thì tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ.

Nợ xấu các ngân hàng đang có xu hướng tăng

Nợ xấu các ngân hàng đang có xu hướng tăng

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay rất đáng lo ngại. Trong khi vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng...

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.

Ngân hàng than cơ chế xử lý nợ xấu nhiều vướng mắc

Theo phản ánh của các ngân hàng, dù có Nghị quyết 42, song việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Ngân hàng OCB cho hay hiện nay, một số ngân hàng đã có công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) song nhiều ngân hàng vẫn chưa có. Trong khi đó, theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%. Đại diện OCB ví von quy định này chẳng khác nào “hấp hối mới được gọi bác sĩ”.

“Khi đó, lập AMC cũng chỉ để xử lý nợ xấu về mặt kỹ thuật. Theo tôi, cần nhìn nhận AMC là để hỗ trợ xử lý nợ xấu, nợ quá hạn, thay vì chỉ để xử lý về mặt kỹ thuật”, ông Ngọc đề nghị.

Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng cũng phản ánh vướng mắc liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42 như thủ tục rút gọn tại tòa, tài sản đảm bảo liên quan tới các vụ án, định giá nợ xấu…

Sau hơn 5 năm ban hành Nghị quyết 42, tòa án các cấp vẫn chưa áp dụng được thủ tục rút gọn với bất kỳ trường hợp nào dù hồ sơ đề nghị từ phía ngân hàng rất nhiều.

Ngay cả với thủ tục thông thường, ngân hàng cũng gặp vô vàn khó khăn. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc Thường trực Ngân hàng ACB cho hay, thời gian gần đây, nhiều tranh chấp về tài sản bảo đảm có xu hướng phát sinh như: tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, tranh chấp giữa bên tặng và bên nhận, tranh chấp do tài sản đã được mang đi thế chấp nhưng chủ tài sản lại bán vi bằng cho người khác… Rất nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng đang đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu trong trường hợp có người khai bất lợi cho các TCTD và có đơn yêu cầu...

Ông Phạm Văn Phòng, Phó giám đốc Khối quản lý rủi ro Ngân hàng MB thì nêu khó khăn trong định giá khoản nợ. Hiện nay, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về mặt định giá tài sản đảm bảo và định giá doanh nghiệp song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng các ngân hàng không dám và điều này cũng không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường.

“Bán đấu giá nợ là biện pháp ưu tiên cuối cùng của ngân hàng khi các biện pháp khác không xong. Nhưng có những khoản nợ ngân hàng bán đến 30 phiên vẫn không có khách quan tâm”, ông Phòng nêu thực trạng.