Ngăn chặn ‘cát tặc’ – Chỉ ý chí không, chưa đủ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trao đổi với đại diện chính quyền cơ sở nhiều xã, phường trên địa bàn Hà Nội có tuyến sông Hồng, sông Đuống đi qua, như Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên…ghi nhận chung của PV An ninh Thủ đô, đó là sự bức xúc, và nhất là những trở ngại trong công tác kiểm tra, xử lý hiện tượng khai thác cát trái phép trên các dòng sông…

Không “giấu” khó khăn, bất cập

Nói về hiện tượng khai thác cát trái phép, ông Nguyễn Mậu Quang – Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm thẳng thắn: “Địa bàn có hình thành, thậm chí, có thời điểm hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra tương đối phức tạp, nhất là ở các khu vực giáp ranh. Nhưng quan điểm của lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, là nói không đối với những vi phạm về “cát tặc”, mà trước hết, là xác định rõ trách nhiệm ngay từ cấp cơ sở”.

Một phương tiện khai thác cát trái phép bị CAH Gia Lâm phối hợp xử lý

Một phương tiện khai thác cát trái phép bị CAH Gia Lâm phối hợp xử lý

Theo đồng chí Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm, với khoảng 20km đường sông Hồng và sông Đuống, nếu chính quyền cơ sở không quyết liệt, sát sao, “cát tặc” sẽ nóng. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, cũng như chủ động đánh giá tình hình, nguy cơ, thường xuyên, lãnh đạo UBND huyện có những kế hoạch, chuyên đề riêng để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép.

Chánh văn phòng Nguyễn Mậu Quang thông tin khái quát với chúng tôi về “tinh thần chống cát tặc” của huyện; riêng từ năm 2019 đến mới đây nhất là tháng 2-2024, lên đến gần 20 văn bản; từ chỉ đạo chung đối với các xã và phòng, ban chức năng về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn; rồi tăng cường quản lý hoạt động khai thác và tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn.

Trong số đó, có những văn bản huyện gửi lên Thành phố, hoặc là báo cáo kết quả xử lý các trường hợp vi phạm khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép; hoặc báo cáo về công tác quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn; và cả những đề xuất, kiến nghị chế tài đối với các tường hợp khai thác cát trái phép.

Đặc biệt, huyện nêu xuất rõ với thành phố hiện tượng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, địa bàn giáp ranh giữa xã Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm với phường Trần Phú của quận Hoàng Mai (Hà Nội) và xã thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). “Khu vực này không chỉ người dân mà cả cán bộ xã và huyện cũng rất bức xúc, bất bình trước hiện tượng khai thác cát trái phép. Địa phương nào làm mạnh, “cát tặc” lại di chuyển sang địa bàn giáp ranh; nên cứ thế dai dẳng, chụp giật hoạt động…”, đại diện UBND huyện Gia Lâm nêu rõ.

Xác định rõ vai trò – trách nhiệm của lực lượng chủ công

Một cán bộ Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Thanh Trì chia sẻ, trong công tác quản lý Nhà nước, về nguyên tắc, nếu “áp” trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép trên sông thuộc địa bàn xã - huyện, thì không hề sai. Nhưng cái khó của cấp xã, huyện cũng cần được nhìn nhận, đánh giá đúng. Bởi, kiểm tra, phát hiện và xử lý “cát tặc” trên sông phải cần đến những phương tiện và nhân lực chuyên trách. Hoạt động khai thác cát diễn ra chủ yếu ban đêm. Lợi nhuận lớn nên đối tượng khai thác cát trái phép sẵn sàng manh động bỏ trốn hoặc chống trả, bởi họ biết sẽ bị áp chế tài nặng nếu bị giữ…

Khống chế "thủy quái" này đòi hỏi phải có lực lượng, phương tiện chuyên trách

Khống chế "thủy quái" này đòi hỏi phải có lực lượng, phương tiện chuyên trách

Đồng quan điểm, chỉ huy CAH Gia Lâm cho biết, năm 2023, lực lượng Công an huyện phải rất kỳ công mới phối hợp với đơn vị nghiệp vụ CATP bắt giữ, xử lý được 2 trường hợp khai thác cát trái phép, và từ đó, đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính lên đến 1,6 tỷ đồng. Mức phạt này có thể nói đủ sự răn đe, giáo dục.

Vấn đề ở đây, hay nói cách khác, tồn tại – khó khăn lớn mà nhiều địa bàn đang gặp phải, là khả năng, năng lực, tính chuyên môn, nghiệp vụ để có thể chặn giữ, kiểm tra, xử lý “cát tặc”. Nhiều khi tiếp nhận phản ánh của người dân, thậm chí cán bộ tận thấy tàu hút cát trên sông, giữa sông, nhưng…đành chịu; bởi hoặc do phương tiện thủy đang đỗ - hút ở địa giới xã khác, hoặc do không có ca nô, tàu để tiếp cận, kiểm tra. Chưa kể, nếu được trang bị phương tiện, thì kỹ năng điều khiển cũng là cả vấn đề đối với cán bộ…địa chính, môi trường của xã, huyện!

Phải khẳng định, sự quyết liệt và tính đồng bộ chính là những yếu tố cần thiết để đấu tranh, xử lý hiệu quả “cát tặc”. Nghĩa là, tuyệt đối không có chỗ cho sự bao che, thỏa hiệp, làm ngơ; nghĩa là vi phạm khi bị phát hiện, phải bị xử lý bằng pháp luật hành chính hay hình sự, căn cứ theo mức độ, tính chất.

Đối với yêu cầu “tính đồng bộ”, phải rà, dựng và dứt khoát không để tồn tại những “điểm nóng giáp ranh” khai thác cát trái phép. Những kế hoạch tuần tra kiểm soát hay xử lý phải có sự vào cuộc của cả lực lượng chuyên trách, chủ công (Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát kinh tế - CATP, và Công an cơ sở). Dọc các tuyến bờ, vở cũng vậy, cấp xã, phường, các phòng Tài nguyên quận, huyện phải làm tốt công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của các bến, bãi, và tuyên truyền tổ chức, cá nhân không tiếp tay cho “cát tặc”.

Cùng với việc làm tốt công tác quản lý Nhà nước ở từng địa bàn, thì sự rõ ràng và thực hiện tốt trách nhiệm - chuyên môn cũng chính là yếu tố để ngăn ngừa “cát tặc”.