Ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

ANTD.VN - Dù lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phổ biến. Đáng chú ý, phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi.  

Đây là hơn 1500 hộp mỹ phẩm dưỡng da nhãn hiệu Dakami với trọng lượng gần 1 tấn vừa bị Đội CSKT, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội thu giữ. Tất cả đều là hàng giả, được sản xuất tinh vi với những dấu hiệu nhận biết gần giống như hàng thật. Phải để hai hộp mỹ phẩm thật – giả gần nhau chúng ta mới có thể nhận biết. Chúng chủ yếu được bán qua mạng xã hội.

Còn đây là 28.000 lọ satế tôm mang nhãn hiệu "Thuận Phát" có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "Thuận Phát" đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này ngổn ngang dây chuyền sản xuất theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn nilon và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng.

Đây chỉ là một vài trong số vụ nhiều vụ việc đã lực lượng chức năng phát hiện thời gian qua. Theo số liệu thống kê từ Chương trình 168 của Bộ Khoa học và công nghệ, chỉ tính riêng năm 2020, đã có 1.300 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng. Con số này tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Trước thực trạng này, đòi hỏi các ngành chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra gắt gao và bình ổn thị trường sản xuất hàng hóa, nhất là vào dịp cuối năm này.