Nga vẫn chưa thể phóng thử tên lửa RS-28 Sarmat

ANTD.VN - Theo các nguồn tin quốc phòng Nga, việc phóng thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới RS-28 Sarmat sẽ tiếp tục bị trì hoãn thêm vài tháng nữa.

Nga đã bắt đầu thử nghiệm RS-28 Sarmat từ năm 2016 và nó có kế hoạch được đưa vào sử dụng trong năm 2018, tuy nhiên, theo Moscow Times, quá trình tiếp tục thực hiện nhiều bài thử nghiệm khác đang bị trì hoãn.

“Cuộc thử nghiệm phóng từ hầm tên lửa của RS-28 Sarmat ở cơ sở Plesetsk đã không thể diễn ra theo kế hoạch vào tháng 3 nên được rời về quý 2 của năm 2017”, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Nguyên nhân của sự trì hoãn này đến từ việc Nga cần thêm thời gian để đảm bảo các phần cứng của tên lửa đạt tiêu chuẩn cho thử nghiệm. Đây được cho là lần thứ 3 Nga phải trì hoãn phóng thử nghiệm RS-28 Sarmat. Loại tên lửa này đã được Nga ấp ủ từ năm 2009 để thay thế cho RS-36M. Ban đầu, Nga định thử nghiệm phóng vào năm 2015 nhưng sau đó buộc phải rời về 2016 và đến nay là 2017.

RS-28 sẽ thay thế cho tên lửa RS-36M đã được Nga sử dụng từ năm 1970

RS-28 Sarmat là tên lửa có thể được triển khai từ hầm phóng cố định cũng như xe chở lưu động. Với trọng tải lớn, Sarmat được cho là có thể mang được 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn hạng nhẹ, cùng khả năng bay lượn linh hoạt hay chịu được các hệ thống gây nhiễu của đối phương.

Tên lửa RS-28 Sarmat có thể đóng vai trò là phương tiện mang theo đầu đạn siêu thanh đang được phát triển của Nga, vốn có kế hoạch biên chế vào năm 2020 hoặc 2025. Đầu đạn này nằm trong Dự án 4202, khi tách khỏi tên lửa đẩy nó sẽ lao xuống mục tiêu với vận tốc Mach 7 đến Mach 12.