Lực lượng hàng không vũ trụ Nga muốn Nhà máy hàng không Kazan (KAPO) hiện đại hóa 30 máy bay ném bom tầm xa siêu âm Tu-22M3 lên chuẩn Tu-22M3M trong thời gian tới, thông tin này thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông.
Lý do bởi vì ở đây chúng ta đang nói về ý định của Nga nhằm hiện đại hóa một trong những yếu tố của lực lượng hàng không chiến lược, từ đó mở rộng các mối đe dọa đến trên không đối với Ukraine nói riêng và Liên minh quân sự NATO nói chung.
Oanh tạc cơ Tu-22M3M nâng cấp phải được chế tạo trên cơ sở Tu-22M3, hoặc hiện đại hóa từ chính những khung thân cũ và chiếc máy bay này chỉ khác với phiên bản cơ sở ở hai điểm, nhưng rất quan trọng.
Đầu tiên là nâng cấp thiết bị vô tuyến điện tử nhằm cung cấp khả năng sử dụng tên lửa hành trình siêu âm loại Kh-32, được sản xuất bằng cách tái chế những quả Kh-22 cũ. Các tính năng của tên lửa Kh-32 là rất đáng gờm, chủ yếu nâng cao vận tốc cũng như độ chính xác.
Nhưng điều thứ hai và nhạy cảm nhất là việc lắp một thanh tiếp nhiên liệu trên không ở phần mũi, về cơ bản biến oanh tạc cơ Tu-22M3M thành máy bay ném bom tầm xa, có khả năng hoạt động liên lục địa.
Như chính giới chức quân sự Nga khẳng định, khả năng tiếp nhiên liệu trên không giúp tăng bán kính chiến đấu của máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-22M3M từ 2.400 km lên 8.000 km.
Bên cạnh đó, với tốc độ bay hành trình ở mức 950 km/h, hoặc thậm chí tối đa đạt tới 2.300 km/h, về mặt lý thuyết sẽ cho phép Tu-22M3M hoạt động liên tục trên không trong vài giờ.
Hiện tại vẫn chưa rõ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga có thể đảm bảo việc chuyển đổi Tu-22M3 sang tiêu chuẩn Tu-22M3M với tốc độ như thế nào.
Nhưng nếu chúng ta nhìn vào kế hoạch của Moskva, thì hóa ra Liên bang Nga muốn hiện đại hóa tất cả Tu-22M3 của mình theo cách này (theo ước tính, vào tháng 8 năm nay, người Nga chỉ có 31 máy bay ném bom Tu-22M3 có thể sử dụng.
Và nếu người Nga cần vài năm để thực hiện kế hoạch này, thì họ có thể nhận được một phương tiện tấn công đường không như MiG-31K với tên lửa Kinzhal trong vài năm nữa, mang lại khả năng răn đe cực kỳ cao.
Viễn cảnh trên rõ ràng khiến NATO phải lo lắng, cần đặc biệt chú ý đến thực tế là máy bay ném bom Tu-22M3 nguyên bản được thiết kế có cần tiếp nhiên liệu trên không, chúng chỉ bị tháo bỏ bởi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược ký với Mỹ.
Trong nguyên mẫu Tu-22M3M hiện đại hóa đầu tiên, chi tiết này đã được khôi phục trở lại, cho thấy Nga không gặp nhiều khó khăn để trả lại tính năng ban đầu cho dòng oanh tạc cơ siêu âm nói trên.
Theo nhận xét, việc tăng tầm hoạt động cho Tu-22M3M liên quan trực tiếp đến khoa mục tác chiến của Hải quân Nga, đó là tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương bằng tên lửa siêu thanh.
Vấn đề cuối cùng cần nhắc tới là việc trang bị hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tối tân cho Tu-22M3M dưới dạng hợp nhất cùng Tu-160M sẽ giúp tăng đáng kể hiệu quả điều khiển vũ khí.