Nga thất vọng khi khách hàng Trung Đông không quan tâm tới tiêm kích Su-35

ANTD.VN - Tiêm kích Su-35 có triển vọng xuất khẩu ở mức rất thấp, bất chấp Nga rất nỗ lực quảng bá tới các khách hàng.

"Bất chấp việc Nga tích cực tiếp thị cho tiêm kích Su-35 Flanker-E ở Trung Đông, vẫn chưa có khách hàng nào từ khu vực này liên lạc với nhà sản xuất kể từ năm 2021 để đặt mua".

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, ông Alexander Mikheev - Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu vũ khí nổi tiếng Rosoboronexport đã đưa ra tuyên bố này trong Triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow 2023 diễn ra tại UAE.

Giới quan sát cho rằng người đứng đầu Rosoboronexpor đang cố gắng “làm dịu đi” nhận thức về vũ khí Nga nói chung và tiêm kích Su-35 nói riêng khi chúng có màn thể hiện không được tốt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo ông Mikheev, máy bay chiến đấu Su-35 đã được chứng minh là tổ hợp vũ khí hàng không có hiệu quả cao trong chiến đấu, ngay cả khi chịu tác động gay gắt từ các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của đối phương.

Ông Mikheev lưu ý: “Chúng tôi đang thảo luận về việc hợp tác với nhiều đối tác khác nhau để sản xuất nhiều loại sản phẩm, trong đó có tiêm kích Su-35".

"Chúng tôi đang tích cực đưa những chiếc máy bay này ra thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở các nước Trung Đông, bằng cách thích ứng linh hoạt với nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên từ sau năm 2021, không có liên lạc nào nhằm đặt mua Su-35”.

Từ lời phát biểu của ông Mikheev, có thể suy ra rằng Nga ít nhiều đã chấp nhận sự thất bại trong nỗ lực xuất khẩu Su-35S. Ngoài Liên bang Nga, hiện chỉ có Trung Quốc đang vận hành 24 chiếc Su-35 nhưng cũng không có ý định mua tiếp.

Trong khi đó nhiều khách hàng tiềm năng khác đã hủy hợp đồng vào phút chót, ngoài ra danh sách những quốc gia quan tâm tới chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4++ do Nga sản xuất ngày càng thu hẹp.

Điển hình đó là Indonesia đã hủy hợp đồng mua 11 chiếc Su-35 do chịu áp lực từ Mỹ. Ai Cập cũng đưa ra quyết định tương tự nhưng với quy mô lớn hơn, khi từ bỏ 24 tiêm kích đã lắp ráp sẵn có trị giá tới 2 tỷ USD.

Hai quốc gia trên lo ngại sẽ bị Mỹ áp đặt các điều khoản cấm vận theo Đạo luật CAATSA vì đã mua vũ khí Nga, họ có lý do để làm điều này khi phụ thuộc rất nhiều vào Washington trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn quốc phòng.

Trong khi đó trường hợp của Iran lại khác, tưởng như quốc gia Trung Đông này sẽ nhận lại 24 chiếc Su-35 mà Ai Cập từ bỏ, đặc biệt khi Tehran không chịu áp lực trừng phạt từ Mỹ, nhưng thương vụ cuối cùng cũng không thành.

Lý do là bởi Nga miễn cưỡng chia sẻ công nghệ quan trọng để sản xuất các bộ phận của Su-35 ngay tại Iran và không sẵn sàng chuyển giao bí quyết bảo trì để Tehran tự duy trì hoạt động cho máy bay trong 30 năm tới.

Không chỉ có vậy Iran còn lo ngại Nga sẽ tiết lộ một số bí mật của Su-35 cho Israel để Tel Aviv có thể khắc chế chúng, tương tự như những ồn ào xung quanh việc Moskva cung cấp cho quốc gia Do Thái mã nguồn hệ thống phòng không S-300PMU-2 để đổi lấy công nghệ UAV.

Ngoài ra tính năng của Su-35 cũng không còn được xem là thực sự tiên tiến, thiếu sót lớn nhất của chiếc tiêm kích là chưa có radar mảng pha quét chủ động (AESA), dẫn tới sẽ bị thất thế khi đối đầu chiến đấu cơ hiện đại do phương Tây sản xuất.